Với chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị quan trắc, điều tra, cảnh báo về khí tượng thủy văn (KTTV) phạm vi các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, thời gian qua, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ có nhiều thành tựu về khoa học và công nghệ (KH-CN), góp phần phòng, chống thiên tai trong khu vực.
Hơn 20 đề tài, dự án về phòng, chống thiên tai
Theo lãnh đạo Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ, 10 năm qua, đài đã có hơn 20 đề tài, dự án KH-CN liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Điển hình như đề tài “Phân vùng nguy cơ và lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất, đá do mưa ở tỉnh Khánh Hòa” do Thạc sĩ Võ Anh Kiệt làm chủ nhiệm. Đề tài đã nghiệm thu giai đoạn 1 - năm 2022, đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát và xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất, đá do mưa ở tỉnh Khánh Hòa và chi tiết cho TP. Nha Trang; đề xuất giải pháp phòng, chống, ứng phó giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, đá gây ra. Giai đoạn 1 của đề tài đã bàn giao bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá TP. Nha Trang tỷ lệ 1/10.000, phục vụ cho công tác quy hoạch thành phố. Hay đề tài “Xây dựng công nghệ dự báo tác động và cảnh báo rủi ro do bão, áp thấp nhiệt đới và lũ tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ” do Thạc sĩ Trần Văn Hưng làm chủ nhiệm, được nghiệm thu mới đây đã đánh giá mức độ tác động, rủi ro do bão, áp thấp nhiệt đới và lũ tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời, xây dựng công nghệ dự báo mức độ tác động và cảnh báo rủi ro gây nên bởi bão, áp thấp nhiệt đới và lũ tại các tỉnh trong khu vực.
Cùng với đó, những năm qua, hệ thống mạng lưới trạm quan trắc của đài từng bước được đầu tư. Hiện nay, đài có hơn 200 trạm quan trắc được đầu tư theo hướng tự động hóa nên công nghệ dự báo, cảnh báo ngày càng được cải thiện. Đài đang vận hành mô hình khu vực WRF với hạn dự báo 120 giờ, độ phân giải lưới 6km, thời đoạn 1 giờ. Sản phẩm bao gồm các bản đồ dự báo của các trường khí tượng và các file trích xuất kết quả dự báo tại các trạm. Ngoài 2 trạm ra - đa thời tiết tại Nha Trang và Quy Nhơn phục vụ quan trắc thời tiết hàng ngày, một số mô hình dự báo tích hợp thủy văn thông số về phân bố, thủy lực, hồ chứa dùng trí tuệ nhân tạo để dự báo lũ, ngập lụt ngày càng phát huy hiệu quả.
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao
Theo Thạc sĩ Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ, đội ngũ cán bộ của đài có trình độ cao (12 thạc sĩ, 52 kỹ sư chuyên ngành KTTV, công nghệ thông tin…), trẻ hóa là nguồn nhân lực dồi dào để thực hiện tốt các nhiệm vụ, yêu cầu ngày càng cao của công tác KTTV. Thời gian tới, đài tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH-CN; phát triển và ứng dụng hệ thống công cụ dự báo, cảnh báo thiên tai phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực của đài; phát triển và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu nghiên cứu KH-CN và dịch vụ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, đài tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong KTTV; nghiên cứu, ứng dụng các nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại (GIS, viễn thám...) trong công tác dự báo khí hậu, cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan; điều tra, đánh giá tài nguyên KTTV và giám sát biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV. Ngoài ra, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN tập trung vào phân vùng rủi ro thiên tai và cảnh báo thiên tai; xây dựng bộ mô hình tích hợp thủy văn; nghiên cứu xây dựng công cụ dự báo hải văn; xây dựng công nghệ dự báo nước dâng, sóng biển, hải lưu khu vực các công trình và kinh tế trọng điểm ven biển…
V.L