Dự án “Sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài quy mô hàng hóa tại Khánh Hòa” do Công ty TNHH Hầu Thái Bình Dương Nha Trang chủ trì nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất giống tu hài với quy mô 20 triệu giống cấp I/năm. Tuy gặp một số khó khăn do tình hình dịch Covid-19, thời tiết, khí hậu, nhưng dự án đã nghiệm thu bước 1.
Gặp một số khó khăn
Theo ông Hà Đăng Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Hầu Thái Bình Dương Nha Trang, tu hài (Lutraria rhynchaena) là đối tượng nuôi hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế bởi chất lượng dinh dưỡng của chúng. Tu hài có 82,3% nước; 11,63% đạm; 0,42% đường; 1,22% muối khoáng; không có mỡ. Ngoài ra, thịt tu hài có chứa 18 loại axit amin, trong đó một số axit amin không thay thế và hàm lượng cao. Tuy nhiên, cho đến khi dự án triển khai, việc nuôi tu hài thương phẩm chỉ mới thực hiện nhỏ lẻ, sản lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do đó, sau khi nghiên cứu, đề xuất, công ty được Sở Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh thống nhất cho triển khai dự án trong giai đoạn 2019 - 2021.
Kỹ sư Nguyễn Thị Linh Na - Kỹ thuật viên của dự án cho biết, dự án có mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống tu hài quy mô hàng hóa với các chỉ tiêu: Tỷ lệ đẻ của bố mẹ 90%; tỷ lệ nở 95%; tỷ lệ sống ấu trùng 8%; tỷ lệ sống giống cấp I (2-3mm) 70%; tỷ lệ sống giống cấp II (7-10mm) 80%; công suất 20 triệu giống cấp I/năm. Bên cạnh đó, xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tu hài đạt tỷ lệ sống 65-70%; năng suất 10 tấn/năm (tu hài thương phẩm kích cỡ 25-30g/con). Ngoài ra, dự án còn xây dựng 1 tổ liên kết 10-15 hộ có đủ trình độ kỹ thuật nuôi thương phẩm tu hài.
Đến nay, dự án đã nghiệm thu bước đầu sản phẩm làm ra. Cụ thể, dự án đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo tu hài với quy mô hàng hóa (20 triệu giống cấp I/năm); bố trí thực nghiệm nuôi tu hài bằng hình thức rổ để đáy và lồng treo đạt năng suất nuôi 2 đợt tổng cộng 10 tấn/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nhiễm khuẩn Vibrio, thời tiết nắng nóng bất thường qua các năm và bão số 12 (năm 2020) nên lượng tu hài của doanh nghiệp chết 50%; có 5 hộ nuôi thiệt hại, 5 hộ có thu hoạch 500-600kg/hộ. Bên cạnh đó, dịch Covid -19 kéo dài làm dự án không thể tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ liên kết, buộc phải chuyển giao theo hình thức trực tiếp từng hộ. Ngoài ra, việc triển khai giãn cách xã hội kéo dài nên dự án chưa thể thực hiện khảo sát và báo cáo đánh giá tác động môi trường vùng nuôi.
Tiếp tục nghiệm thu hoàn thiện dự án
Dự án “Sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài quy mô hàng hóa tại Khánh Hòa” có tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí ngân sách sự nghiệp khoa học hơn 1,2 tỷ đồng; vốn công ty hơn 2,1 tỷ đồng; vốn liên doanh hơn 2 tỷ đồng thuộc dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh. |
Ông Ngô Văn Hạnh - Tổ trưởng Tổ liên kết tu hài Vĩnh Lương cho biết, tổ đã được dự án chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm, cấp giống miễn phí. Qua các vụ nuôi có xảy ra tình trạng thất thu do nguyên nhân khách quan như bão, nắng nóng. Tuy nhiên, về kỹ thuật, các hộ nuôi đều nắm vững quy trình. “Nuôi tu hài mang lại hiệu quả rất cao, mỗi hộ phía công ty chuyển giao nuôi 1.000-1.200 rổ. Nếu thời tiết ổn định, không gặp nắng nóng, gió bão bất thường, doanh thu có thể đạt 300 - 400 triệu đồng/vụ 8 tháng (giá 300.000 đồng/kg, cao điểm 400.000 đồng/kg)”, ông Hạnh chia sẻ.
Theo ông Phan Minh Thụ, nghiên cứu viên chính của Viện Hải dương học - đơn vị hỗ trợ chuyên môn cho Công ty TNHH Hầu Thái Bình Dương Nha Trang thực hiện dự án, hiện tại, dự án chỉ mới nghiệm thu bước đầu để nông dân bán sản phẩm; dự án sẽ nghiệm thu toàn phần kết thúc vào tháng 11-2021. Thời gian tới, dự án tiếp tục nuôi tu hài thương phẩm tại công ty, tại hộ; tổ chức khảo sát ở vùng nuôi để xây dựng các báo cáo, tổ chức tọa đàm về quy chế phối hợp của tổ liên kết nuôi tu hài và xuất bản các ấn phẩm. Dự án đề xuất các cấp chấp nhận kết quả thu hoạch tu hài thương phẩm tại công ty (4 tấn) và tại 5 hộ liên kết (513-615kg/hộ, tổng cộng 2,68 tấn) khi bắt buộc phải thu hoạch sớm do dịch bệnh; cho phép đề tài triển khai chuyển giao kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm của tổ liên kết theo hình thức trực tiếp. Sự thay đổi trên không ảnh hưởng đến tính khoa học cũng như gia tăng kinh phí thực hiện dự án.
V.L