UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa nghiệm thu đề tài cấp cơ sở “Thử nghiệm nuôi thương phẩm cá mú trân châu bằng thức ăn công nghiệp” do kỹ sư Nguyễn Thị Nhặn - Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện làm chủ nhiệm. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng đề tài và lồng ghép vào các hoạt động khuyến ngư.
Xây dựng quy trình
Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản ven biển trong tỉnh phát triển mạnh, trong đó cá mú trân châu là đối tượng nuôi mới được ưa chuộng gần đây. Theo ông Nguyễn Quang Vinh (thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) - người có kinh nghiệm nuôi cá mú, cũng là hộ thực hiện đề tài, cá mú trân châu dần thay thế các loại cá mú khác như cá mú nghệ, cá mú đen... vì thời gian nuôi không quá dài, giá bán lại cao hơn. Bên cạnh đó, loài cá này tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt cá thơm ngon, nguồn giống chủ động nên thu hút nông dân đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, theo kỹ sư Nhặn, hiện nay, người nuôi cá mú trân châu tại Cam Lâm và nhiều địa phương khác hầu hết sử dụng thức ăn là cá tươi nên dễ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, làm bùng phát dịch bệnh khiến cá hao hụt nhiều (tỷ lệ sống chỉ đạt 40-50%). Bên cạnh đó, việc nuôi cá mú trân châu cũng chưa có quy trình, quy chuẩn bài bản, ổn định nhằm tăng cường phát triển hàng hóa đối với đối tượng có giá trị này.
Xuất phát từ thực tế trên, đề tài cấp cơ sở “Thử nghiệm nuôi thương phẩm cá mú trân châu trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” được UBND tỉnh giao UBND huyện Cam Lâm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện trong 2 năm 2020 - 2021. Mục tiêu đề ra là: Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thương phẩm cá mú trân châu trong ao đất với quy mô 0,2ha/mô hình (2 mô hình), hoàn thiện quy trình nuôi cá mú trân châu bằng thức ăn công nghiệp trong ao đất thành tài liệu tập huấn khuyến ngư phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa bàn huyện Cam Lâm; tổ chức 1 lớp tập huấn, chuyển giao mô hình cho 40 người dân; hoàn thiện báo cáo tổng hợp, tổng kết đánh giá và đề xuất ý kiến để phát triển mô hình trên địa bàn huyện Cam Lâm.
Sẽ nhân rộng mô hình
Nhóm thực hiện đề tài đã chọn 2 điểm nuôi cá mú trân châu bằng thức ăn công nghiệp tại xã Cam Hòa và Cam Thành Bắc; 1 điểm đối chứng nuôi cá mú trân châu trong ao đất bằng thức ăn tươi (cá tạp). Trong thời gian nuôi 10-12 tháng, khi cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp, cá đạt kích cỡ thương phẩm hơn 0,9kg/con, hệ số chuyển đổi thức ăn từ 2 đến 2,4. Trong khi đó, sử dụng thức ăn cá tạp có hệ số chuyển đổi thức ăn lớn hơn 7. Cụ thể, tại hộ ông Vinh sau 3 tháng đầu tiên, cá tăng trọng gấp 15,6 lần, tốc độ tăng trưởng gấp 6,57 lần; trong khi đó, cá nuôi bằng cá tạp chỉ tăng 12 lần, tốc độ tăng trưởng chỉ 5,12 lần. Các giai đoạn sau khi cá càng lớn độ chênh lệch càng lớn. So sánh lợi nhuận sau 12 tháng, mô hình ông Vinh cho lãi ròng hơn 70 triệu đồng/0,2ha; mô hình đối chứng bị lỗ do ô nhiễm gây bệnh, cá phân đàn cao, chết nhiều... Đã có 5 hộ dân thực hiện nuôi thương phẩm cá mú trân châu trong ao đất hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp tại xã Cam Thành Bắc, thị trấn Cam Đức và xã Cam Hòa bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm cá mú trân châu trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp tại các vùng nuôi phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép mô hình vào chương trình khuyến ngư địa phương; tăng cường tập huấn, tổ chức hội thảo, giới thiệu quy trình kỹ thuật nuôi cá mú trân châu trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp nhằm nâng cao trình độ nuôi trồng thủy sản của người dân...
V.L