Trong lá bàng khô chứa nhiều dược chất, trong đó violaxanthin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, nhóm sinh viên tại TP HCM phát triển thành chế phẩm dùng trong ao nuôi thủy sản.
Chế phẩm sinh học từ thiên nhiên được Nguyễn Hữu Tiến, Đoàn Thị Thu Hằng (Đại học Nguyễn Tất Thành) và Trần Văn Nguyên (Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM) nghiên cứu từ hai năm qua. Nhóm mong muốn tạo ra sản phẩm thay thế thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản.
Nguyễn Hữu Tiến, trưởng nhóm cho biết, trong lá bàng có nhiều dược chất, cụ thể là violaxanthin có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn, nấm... trong nước và trên cơ thể cá nhưng an toàn với con người. Qua nghiên cứu nhóm thấy dược chất này chỉ có trong lá bàng khô rụng cành. Các loại lá bàng non, chưa đủ tuổi sẽ không đủ hàm lượng dược chất, thậm chí có chất gây hại.
Nhóm đã thu gom, sàng lọc chọn những lá đủ tiêu chuẩn, không bị nấm. Sau đó làm sạch, khử trùng và chiết tách violaxanthin và các dược chất khác. Dịch chiết được cô đặc và kiểm định để đánh giá hàm lượng các dược chất. Mẫu đạt đủ hàm lượng dược chất mới được đóng chai.
Chế phẩm được sử dụng thử nghiệm cho bể nuôi cá cảnh tại phòng nghiên cứu Đại học Nguyễn Tất Thành trong Khu công nghệ cao TP HCM với nhiều nồng độ khác nhau. Sau 2 tuần, nấm trên cơ thể cá hết hoàn toàn, màu sắc cá đẹp trở lại. "Tùy vào tình trạng bệnh và môi trường nước mà sử dụng chế phẩm sinh học ở hàm lượng khác nhau để có hiệu quả tốt nhất", Văn Nguyên, thành viên nhóm cho biết.
Để đánh giá hiệu quả ở quy mô lớn hơn, nhóm thử nghiệm trên một ao nuôi cá tra rộng 2 ha ở huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Sau một tháng sử dụng, ao nuôi sạch hơn, nồng độ nitơ, photpho trong nước giảm. Điều này khiến nước sạch hơn, da cá đẹp không bị nấm và phát triển khỏe mạnh. Dự kiến mỗi chai chế phẩm 500 ml có giá khoảng 11.000 đồng.
Anh Hùng, chủ ao cá cho biết, sản phẩm dễ sử dụng, chỉ cần hòa chế phẩm sinh học vào nước và tưới lên bề mặt ao. Từ khi dùng chế phẩm sinh học, anh không còn sử dụng các loại thuốc kháng sinh.
Theo thạc sĩ Trần Thành, Viện nghiên cứu và phát triển bền vững, Đại học Nguyễn Tất Thành, thực tế giới khoa học đã có nhiều nghiên cứu về dược chất của lá bàng, ứng dụng trong nhiều sản phẩm sinh học, thậm chí phát triển thành thuốc trị nấm dùng cho người. Tuy nhiên, nhóm đã nghiên cứu chọn lọc và khai thác tốt các dược chất trong lá bàng khô rụng cây để tạo chế phẩm sinh học, thử nghiệm hiệu quả trên một số ao nuôi. Tuy nhiên, ông cho rằng nghiên cứu mới dừng lại ở giai đoạn phòng thí nghiệm và cần có những thử nghiệm ở nhiều ao nuôi, nhiều loại thủy sản hơn để đánh giá.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhóm làm các bước về kiểm định thành phần các chất trong chế phẩm sinh học từ cơ quan chức năng, làm hồ sơ sở hữu trí tuệ... phục vụ cho quá trình thử nghiệm quy mô lớn, tiến tới thương mại hóa", thạc sĩ Thành nói.
Theo vnexpress