Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và cuốn sách "Non nước Khánh Hòa"

Thứ sáu - 29/07/2022 10:29
Cùng với tác phẩm "Xứ Trầm hương" của thi sĩ Quách Tấn, quyển sách "Non nước Khánh Hòa" của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình Tư là 2 cuốn sách xuất bản song hành vào cuối thập niên 60... Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và cuốn sách "Non nước Khánh Hòa"
Cùng với tác phẩm “Xứ Trầm hương” của thi sĩ Quách Tấn, quyển sách “Non nước Khánh Hòa” của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình Tư là 2 cuốn sách xuất bản song hành vào cuối thập niên 60. Từ đó, các nhà nghiên cứu và bạn đọc đều coi 2 cuốn sách như một cẩm nang không thể thiếu khi tìm hiểu về miền đất Khánh Hòa. 
 
Nếu như thi sĩ Quách Tấn rất quen thuộc với công chúng yêu thơ ca thì nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có phần trầm lắng. Nhiều người có thể lần giở “Non nước Khánh Hòa” nhưng rất mơ hồ về tác giả của nó. Vậy mà, tại hội thảo “Đề đốc Trịnh Phong - Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa” diễn ra đầu tháng 6-2022 tại thị xã Ninh Hòa được đón nhà nghiên cứu lão thành 102 tuổi Nguyễn Đình Tư từ TP. Hồ Chí Minh tới tham dự! Sự góp mặt của ông thực sự đem lại niềm xúc động lớn lao của mọi người ở hội thảo. Với văn hóa Khánh Hòa, đó như một sự tri ân về người đã viết một tác phẩm địa chí quý giá cho xứ biển hơn nửa thế kỷ.
 

 

 
Cuốn sách “Non nước Khánh Hòa” được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết vào những năm 1965, 1966 và tới năm 1967 thì hoàn chỉnh, được Nhà xuất bản Sông Lam in năm 1969. Trong lời nói đầu, ông viết: “… Với một lòng tưởng nhớ tới tiền nhơn, thương yêu Tổ quốc. Tôi viết cuốn sách Non nước Khánh Hòa này. Hy vọng để lại cho hậu thế một chút ít tài liệu để tham khảo khi họ muốn tìm hiểu quê hương trong quá khứ”.
 
Khi đọc bản thảo cuốn sách, nhiều bạn bè, trang lứa của Nguyễn Đình Tư khi đó như nhà văn Cung Dũ Nguyên, Võ Hồng, Thiếu Sơn, Phạm Việt Tuyên đều hết lòng ca ngợi. Nhà văn Cung Dũ Nguyên viết: “Cuốn sách được soạn rất công phu với nhiều tài liệu lịch sử, địa lý văn chương, chắc hẳn thỏa mãn những ai muốn biết tường tận hương sắc của một địa phương thường ít được nhắc đến. Tôi hy vọng ông sẽ tiếp tục công việc biên soạn những địa phương chí khác. Chúc ông thành công”. Nhà văn Võ Hồng cũng bày tỏ: “Cuốn sách của ông đã làm cho tôi bồi hồi cảm xúc vì gặp những cảnh cũ người xưa thật lưu luyến. Xin cảm tạ ông”. Nhà văn Phạm Việt Tuyên viết lời tựa cho cuốn sách: “Tôi tin rằng bạn đọc thân mến sẽ được hài lòng vì đây là cuốn địa lý soạn thảo công phu có điểm xuyết nhiều điển tích lịch sử và tài liệu văn chương, với một giọng văn lưu loát, trong sáng chứa chan tình yêu đất nước quê hương”.
 
Có người so sánh “Non nước Khánh Hòa” với “Xứ Trầm hương” nhưng không bao giờ có câu trả lời trọn vẹn vì mỗi cuốn có vẻ đẹp và duyên dáng riêng, nhưng tựu trung lại là rất có giá trị để lưu nhớ. Nếu “Xứ Trầm hương” của Quách Tấn với giọng văn nhẹ nhàng và luôn có thơ minh họa thì “Non nước Khánh Hòa” giản dị hơn và đậm chất dữ liệu nghiên cứu một cách chính thống nên được nhiều nhà biên khảo sử dụng hơn vì tính thuyết phục bởi số liệu. Do vậy, có thể nói “Non nước Khánh Hòa” là cuốn địa chí về Khánh Hòa hoàn chỉnh nhất tính tới năm 1969 khi sách xuất bản. Cho đến hôm nay, trong các công trình nghiên cứu về địa chí Khánh Hòa hầu như phải tham khảo “Non nước Khánh Hòa” để đối chiếu.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại Thanh Chương, Nghệ An. Sau cách mạng Tháng Tám, ông vào Nha Trang sinh sống, làm việc và nghiên cứu biên khảo. Thập niên 60, ông biên soạn những cuốn như: “Non nước Phú Yên” (năm 1964), “Non nước Khánh Hòa” (năm 1969), “Non nước Ninh Thuận” (năm 1974)… Sau năm 1975, ông vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Dù làm rất nhiều việc như sửa xe đạp trên hè phố nuôi con ăn học nhưng ông vẫn say mê viết sách nghiên cứu với những cuốn như: “Đường phố nội thành Hồ Chí Minh”, “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”, “Non nước Quảng Trị”, “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ”, tiểu thuyết “Loạn 12 sứ quân”... Ông được mời tham gia Hội đồng đặt tên, đổi đường TP. Hồ Chí Minh.
 
Tính đến nay, ông đã có 60 đầu sách các loại, trong đó có cuốn được Giải thưởng sách quốc gia năm 2018 trao giải A. Ông được Hội Nghiên cứu lịch sử Việt Nam tôn vinh. 
 
Dương Trang Hương 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp