Giữa lúc thực hiện giãn cách xã hội, việc đi chợ, siêu thị mua nhu yếu phẩm của người dân gặp không ít khó khăn. Khác với thị xã Ninh Hòa, người dân TP. Nha Trang lại khó khăn hơn nhiều trong việc mua nhu yếu phẩm thiết yếu.
Ninh Hòa nhiều kênh hỗ trợ
Ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị xã Ninh Hòa đã áp dụng việc đóng cửa chợ truyền thống theo diện từng bước, cuốn chiếu. Nơi nào dịch bệnh phức tạp, chợ nào không đảm bảo an toàn mới tiến hành đóng cửa. Các chợ đang hoạt động cũng giãn cách bằng hình thức phát phiếu nhằm kéo giãn số lượng người đi chợ cùng một thời điểm. Việc đóng cửa từng bước, tùy tình hình đã giảm bớt phần nào “cú sốc” thiếu hụt thực phẩm trong mỗi gia đình. Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, toàn bộ chợ truyền thống phải ngưng hoạt động, người dân chuyển sang mua hàng online. Người dân trong khu vực phong tỏa, các đối tượng yếu thế được chăm lo nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các mạnh thường quân, không để những người neo đơn, hộ chính sách… thiếu nhu yếu phẩm. Với các gia đình khác trong khu phong tỏa, việc mua nhu yếu phẩm online qua 2 hệ thống siêu thị VinMart và Bách hóa Xanh trên địa bàn”.
Khi hệ thống nhân sự giao hàng của các siêu thị quá tải, Thị đoàn Ninh Hòa đã cắt cử nhân lực hỗ trợ 2 hệ thống siêu thị giao hàng; lập hàng chục tổ, đội với hàng trăm đoàn viên, thanh niên thực hiện việc đi chợ giúp người dân, giao hàng đến tận đầu ngõ… Các tổ chức chính trị - xã hội khác như: Mặt trận, phụ nữ, nông dân… cũng tiếp thêm nhân lực, công sức nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân trong khu phong tỏa, đồng thời góp phần không để chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm bị đứt gãy.
Cùng với đó, hầu hết các xã, phường trên địa bàn thị xã còn lập danh sách những hộ sản xuất, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như: Rau xanh, thịt, cá, trứng, sữa… để cung cấp cho người dân. Ông Nguyễn Tiến Lộc (phường Ninh Diêm) cho biết: “Ngoài việc đi chợ online, chúng tôi còn có thể gọi các số điện thoại được phường cung cấp đặt mua rau, thịt, cá, trứng… Do đây đều là những người sản xuất, kinh doanh trong phường nên thực phẩm tươi ngon, giao hàng thuận tiện, nhanh chóng”.
Ngày 30-7, khi dịch bệnh tạm ổn, các xã, phường rà soát toàn bộ khu vực thôn, tổ trên địa bàn, lựa chọn những khu vực an toàn, không có ca nhiễm Covid-19 để UBND thị xã kiểm tra, xác minh xem xét việc mở lại chợ truyền thống ở khu vực đó. Trước khi mở lại chợ, chính quyền cấp xã tiến hành khử khuẩn khu vực, đưa ra phương án bán hàng theo hình thức 1 chiều, phương án phân bổ, khống chế số lượng người dân đi mua theo hình thức phát phiếu… nhằm đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra ở những khu chợ này.
Người dân Nha Trang gặp khó
Khác với Ninh Hòa, việc tiếp cận nhu yếu phẩm ở TP. Nha Trang khó khăn hơn nhiều. Một phần vì Nha Trang là khu vực đô thị, dân cư đông đúc, nhu cầu lớn trong điều kiện dịch bệnh nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy; một phần từ quá trình điều tiết, phân phối của cơ quan chức năng chưa thật sự kịp thời, hợp lý.
Ngày 3-8, Sở Công Thương có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan về việc góp ý dự thảo Kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong trường hợp các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Kế hoạch này đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo người sản xuất bán được hàng hóa, người tiêu dùng tiếp cận được hàng cũng như các giải pháp phân phối, điều tiết cân đối thị trường. |
Bà Trương Thị Thanh Thúy (đường Lê Hồng Phong, phường Phước Long) cho biết, 7 giờ ngày 30-7, bà đi mua hàng tại cửa hàng Bách hóa Xanh gần Trường Tiểu học Phước Long 1 nhưng cửa hàng chưa có thịt heo. Bà qua hàng rau, củ, quả tìm mua chanh, ớt, hành cũng không có nên đành quay về. Bà thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành chức năng bảo hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, giá cả bình ổn. Nhưng thực tế, người dân rất khó mua được hàng mình cần, giá thực phẩm tăng cao hơn nhiều so với bình thường. Còn bà Đào Hải Minh (đường Ngô Gia Tự) cho biết, 17 giờ ngày 1-8, bà ghé cửa hàng Bách hóa Xanh ở đường Võ Trứ để mua cà chua, hành lá, nấm, thực phẩm tươi sống… nhưng không còn; trên các kệ hàng khi đó chỉ còn vài quả bí đỏ, mấy bó rau cải. Bà cho rằng, cơ quan quản lý (Sở Công Thương) phải làm việc với các đơn vị kinh doanh để điều tiết hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người dân trong cả 1 ngày. Hiện nay, những gia đình có phiếu đi chợ buổi chiều gần như không mua được thịt, cá, rau xanh.
Mua hàng trực tiếp đã khó, những ngày gần đây, việc mua hàng online càng khó khăn hơn. Bà Lê Thị Thu Hà (chung cư số 2 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải) cho biết, sáng 31-7, bà đặt hàng siêu thị Mega Market nhưng đến trưa 3-8, nhân viên siêu thị mới phản hồi chốt đơn. Bà phải hủy đơn hàng, tìm mua qua kênh bán hàng khác bởi không biết từ khi chốt đơn đến khi giao hàng phải chờ đợi bao lâu nữa?!
Theo lý giải của lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian qua, việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân tại các huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội còn gặp nhiều khó khăn do phải qua nhiều chốt kiểm dịch; công tác phối hợp tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong khu vực cách ly giữa địa phương với doanh nghiệp chưa đồng bộ. Mặt khác, nguồn nhân lực để vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp không đủ khi chuyển sang trạng thái bán hàng online và giao hàng tận nơi. Đó là những khó khăn mà sở sẽ cùng các sở, ngành, địa phương liên quan tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới.
H.Đ - K.H