Phát triển mạnh vùng chuyên canh cây ăn quả

Chủ nhật - 27/02/2022 17:28
Tăng diện tích cây ăn quả, hình thành vùng chuyên canh là một trong những mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra từ nay đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt giải pháp căn cơ đã được đưa ra. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Phát triển mạnh vùng chuyên canh cây ăn quả

Tăng diện tích cây ăn quả, hình thành vùng chuyên canh là một trong những mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra từ nay đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt giải pháp căn cơ đã được đưa ra.


Diện tích cây ăn quả tăng nhanh


Theo ông Trần Thiện Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm qua, diện tích trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đến nay đã đạt hơn 18.000ha. Diện tích trồng cây ăn quả tăng do người dân chuyển đổi diện tích trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: xoài, sầu riêng, bưởi da xanh… Trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh như: Cây xoài ở huyện Cam Lâm, cây sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, cây bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh; một số vùng đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, diện tích cây ăn quả được công nhận đạt chuẩn VietGAP gần 130ha.

 

Nông dân huyện Khánh Vĩnh thu hoạch bưởi da xanh.

Nông dân huyện Khánh Vĩnh thu hoạch bưởi da xanh.


Hiện nay, cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cây điều với hơn 4.000ha, sẽ tái cơ cấu theo hướng duy trì những vùng điều năng suất hơn 1,5 tấn/ha và ở những vùng đất khô cằn, tầng đất mỏng có tác dụng bảo vệ môi trường, còn chuyển một số diện tích sang cây ăn quả. Cây công nghiệp ngắn ngày chủ yếu tập trung ổn định diện tích cây mía khoảng 10.000ha, hình thành vùng mía tập trung và thâm canh ở thị xã Ninh Hòa. Ông Trần Thiện Hùng cho biết, từ năm 2017 đến 2021, nông dân toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 5.000ha cây trồng, trong đó khoảng 40% diện tích tiếp cận được chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng của Nhà nước.


Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lĩnh vực trồng trọt dần định hình những loại cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số hạn chế như: sản lượng không ổn định do còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết; diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng thủy lợi chủ yếu phục vụ sản xuất lúa, còn những cây trồng khác chưa được đầu tư tương xứng. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, đòi hỏi hoạt động sản xuất, phân phối nông sản cần thực hiện theo chuỗi quy trình. Đó là sản xuất theo quy trình sạch, có nguồn gốc rõ ràng, bao bì nhãn mác đầy đủ, có hệ thống chế biến hiện đại, mô hình phân phối phù hợp…


Đề ra nhiều giải pháp


Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; xây dựng hệ thống tưới phun mưa, tưới nước tiết kiệm, tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho các loại cây trồng chủ lực đảm bảo đáp ứng 80% diện tích. Đồng thời, ngành đẩy mạnh diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…

 

Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh việc định hướng sản xuất đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường về sản phẩm có nguồn gốc, với quy trình sản xuất sạch, đáp ứng được các yêu cầu để có thể đưa được vào các siêu thị cũng như xuất khẩu chính ngạch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trồng trọt là phát triển mạnh công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản, giúp người sản xuất hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra khá phổ biến như hiện nay.

Đối với cây hàng năm, ngành nông nghiệp tập trung duy trì và sử dụng linh hoạt có hiệu quả 20.000ha đất lúa, trong đó tập trung phát triển vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao ở huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Với cây rau, các loại rau cao cấp, bao gồm cả nấm sẽ được chú trọng phát triển với diện tích 4.500ha. Cùng với đó, sẽ hình thành và phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm rau an toàn để chủ động cung ứng cho các khu đô thị, khu du lịch, siêu thị, nhà hàng; có chính sách hỗ trợ, đảm bảo gia tăng thu nhập của người trồng rau.


Bên cạnh đó, ngành tập trung phát triển một số cây ăn quả là đặc sản địa phương gắn với phát triển thương hiệu. Chẳng hạn như cây xoài phát triển từ 8.000ha hiện nay lên 10.000ha vào năm 2030; những diện tích lúa 1 vụ, mì, mía kém hiệu quả sẽ được chuyển sang trồng xoài; vùng trồng tập trung tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm; cải tạo vườn xoài cũ bằng các giống mới có chất lượng cao như: xoài Úc, xoài Cát Hòa Lộc. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hình thành các cơ sở sơ chế, tiêu thụ; mở rộng diện tích xoài VietGAP; phát triển vùng chuyên canh xoài ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại Cam Lâm, đến năm 2030 đạt khoảng 7.500ha.


Cây sầu riêng được định hướng tăng diện tích từ 2.000ha hiện nay lên 3.000ha vào năm 2030 tại Khánh Sơn và một số tiểu vùng ở Khánh Vĩnh. Trong đó, vùng chuyên canh sầu riêng ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại Khánh Sơn đạt khoảng 2.500ha vào năm 2030. Tương tự, diện tích bưởi da xanh cũng được tăng từ 1.500ha hiện nay lên 2.000ha, trong đó khuyến khích và có chính sách cụ thể để nâng cao hơn nữa diện tích bưởi VietGAP.


HỒNG ĐĂNG



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp