Rau cần tây - Vị thuốc lợi tiểu, giúp hạ huyết áp

Thứ tư - 06/04/2022 15:15
Rau cần tây là một loại rau ăn khá phổ biến ở các nước châu Âu và châu Á, đồng thời còn là một vị thuốc chữa bệnh huyết áp. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Rau cần tây - Vị thuốc lợi tiểu, giúp hạ huyết áp
Rau cần tây là một loại rau ăn khá phổ biến ở các nước châu Âu và châu Á, đồng thời còn là một vị thuốc chữa bệnh huyết áp.
 
1. Đặc điểm của cây rau cần tây
 
Rau cần tây có tên khoa học Apium graveolens L., thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
 
Cây thảo sống dai, thân mọc thẳng đứng, cao tới 1,5m, nhẵn, có nhiều rãnh dọc, chia nhiều cành mọc đứng. Lá ở gốc có cuống, hình thuôn hay ba cạnh, hơi có dạng 5 cạnh, xẻ ba hay chia ba thùy cho tới phía giữa phiến, các thùy hình ba cạnh, dạng mắt chim, tù có khía lượn tai bèo.
 
Lá giữa và lá ngọn không cuống, chia ba hoặc xẻ ba hoặc không chia thùy.
 
Cụm hoa gồm nhiều tán, các tán ở đầu cành có cuống dài hơn các tán bên. Hoa nhỏ màu trắng nhạt.
 
Cán quả chia đôi, mang hai quả hình cầu, dạng trứng, nhẵn có cạnh lồi chạy dọc, không nổi rõ lắm.
 
Cây di nhập vào nước ta, được trồng phổ biến ở nhiều nơi để làm rau ăn. Tại châu Âu là nơi nguyên sẵn cây này cũng được dùng làm thức ăn và làm thuốc lợi tiểu, chủ yếu dùng rễ củ. Quả cần tây được dùng cất tinh dầu và làm gia vị. Ở nước ta cây rau cần tây được dùng chữa huyết áp. Dùng cả cây thái nhỏ nấu nước uống, có thể thu hái về phơi hay sấy khô.
 
Thành phần hóa học: Toàn cây rau cần tây có tinh dầu.

 

Rau cần tây - Vị thuốc lợi tiểu.
Rau cần tây - Vị thuốc lợi tiểu.

 

2. Công dụng của rau cần tây
 
Rau cần tây chủ yếu được dùng làm rau ăn, nấu canh, xào. Tại châu Âu, từ thế kỷ 16 rau cần tây được dùng làm thuốc lợi tiểu. Người dân Việt Nam dùng rau cần tây chữa bệnh huyết áp. Mỗi ngày dùng toàn bộ một cây tươi, thái nhỏ, đun nước uống, chia làm nhiều lần uống trong ngày. Có thể dùng cây phơi khô trong mát.
 
- Tác dụng hạ huyết áp của rau cần tây có thể do tác dụng lợi tiểu của vị thuốc tạo nên.
 
- Rau cần tây bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể, giúp giảm viêm, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giàu vitamin và khoáng chất với chỉ số đường huyết thấp.
 
- Trong rau cần tây có chứa nhiều vitamin C, flavonoid và beta carotene, khoảng 25 hợp chất chống viêm, giúp bảo vệ chống lại các chứng viêm trong cơ thể.
 
- Các chất chống oxy hóa và chống viêm có trong rau cần tây giúp bảo vệ toàn bộ đường tiêu hóa và đặc biệt có ích cho dạ dày.
 
- Rau cần tây cũng giàu vitamin và khoáng chất với chỉ số đường huyết thấp.
 
- Ăn rau cần tây thường xuyên sẽ bổ sung cho cơ thể một lượng lớn các loại vitamin A, C, K cùng với các khoáng chất như folate và kali. Ngoài ra, nó cũng có hàm lượng natri và chỉ số đường huyết thấp.
 
Lưu ý: Một số người đã dùng nhầm cây rau cần ta (còn gọi là rau cần nước) có tên khoa học Oenanthe stolinefera Wall. cùng họ. Cây này được trồng ở nước ta và nhiều nước châu Á khác để lấy rau ăn. Thành phần rau cần ta có tinh dầu, carotene 7,14mg%, vitamin C 320mg%.

 

Nước ép rau cần tây giúp hạ huyết áp.
Nước ép rau cần tây giúp hạ huyết áp.

 

3. Trường hợp nào nên cẩn trọng dùng rau cần tây?
 
Một số trường hợp dưới đây nên cẩn trọng khi tiêu thụ rau cần tây hoặc các sản phẩm từ loại rau này, bao gồm:
 
- Phụ nữ mang thai: Chiết xuất cần tây và hạt cần tây được cho là không an toàn khi sử dụng bằng đường uống trong thời kỳ mang thai. Việc tiêu thụ một lượng lớn cần tây có thể làm co thắt tử cung và gây sẩy thai.
 
- Rối loạn chảy máu: Một số nghiên cứu cho thấy ăn nhiều rau cần tây có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi bạn đang mắc phải rối loạn chảy máu.
 
- Các vấn đề về thận: Những người có vấn đề về thận không nên ăn rau cần tây nhiều vì nó có thể gây viêm.
 
- Huyết áp thấp: Ăn rau cần tây có thể làm giảm huyết áp. Tuy nhiên, nếu huyết áp ở mức thấp, việc sử dụng cần tây có thể khiến cho huyết áp giảm xuống quá mức cho phép.
 
- Phẫu thuật: Cần tây có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khi kết hợp sử dụng cần tây với các loại thuốc gây mê hay những loại thuốc khác được sử dụng trong và sau khi phẫu thuật có thể làm chậm hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Vì vậy nên ngừng sử dụng rau cần thây ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp