Từ ngày 15-3, du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn để đón khách quốc tế. Tuy chính sách mở cửa thông thoáng nhưng khó có khách ngay trong ngày một ngày hai và ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm...
Những thị trường quan trọng chưa mở cửa
Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch từ ngày 15-3 với chính sách rất thông thoáng. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh sẽ không phải cách ly y tế, thoải mái tham quan du lịch như khách nội địa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi du lịch, Chính phủ đã quyết định khôi phục chính sách miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia gồm: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh - Bắc Ireland, Nga, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch nói chung và cho các doanh nghiệp lữ hành nói riêng. Tuy nhiên, những người trong ngành du lịch nhận định, khách du lịch sẽ không đến ngay bởi những thị trường quan trọng nhất của du lịch Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng vẫn chưa mở cửa trở lại.
Đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa để theo đuổi chính sách Zero Covid. Hàn Quốc và Nhật Bản tuy không đóng cửa nhưng cách ly rất nghiêm ngặt đối với người từ nước ngoài trở về. Khách Nga (thị trường du lịch lớn thứ 2 của tỉnh) đã tạm ngưng đến Khánh Hòa do hệ lụy chiến sự Nga - Ukraine. Việc khai thác các thị trường khác cần phải có thời gian và còn phụ thuộc vào chính sách của các nước sở tại. “Thông thường, khách châu Á (đi ngắn ngày) sẽ lên kế hoạch đi du lịch trước khi khởi hành khoảng 3 tháng. Khách châu Âu, Bắc Mỹ (đi dài ngày) cần ít nhất 6 tháng để lên kế hoạch. Chính vì vậy, khi tiếp nhận thông tin Việt Nam mở cửa khách cũng cần độ lùi để chuẩn bị cho chuyến du lịch của mình, nhanh nhất cũng 3-4 tháng nữa mới có những đoàn khách lớn từ các nước châu Á; trước mắt chỉ có khách du lịch kết hợp đi thăm người thân”, ông Phan Đình Thảo - Giám đốc Công ty TNHH HTS International bày tỏ.
Cũng dự đoán việc khôi phục thị trường khách quốc tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Thắng nhận định, Khánh Hòa có thể đón các đoàn khách từ Singapore, Malaysia từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, bởi Vietnam Airlines đã có kế hoạch mở lại đường bay từ Singapore đến Khánh Hòa từ ngày 15-4. “Tuy nhiên, tôi mong đợi hơn cả chính là thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan. Qua trao đổi với các đối tác, nếu không có những diễn biến bất thường, cuối tháng 5-2022, họ sẽ đưa các đoàn khách Hàn Quốc đến Khánh Hòa bằng những chuyến bay thuê bao. Tương tự, khách Đài Loan cũng có thể đến Khánh Hòa trong tháng 6”, ông Thắng chia sẻ.
Cần đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hóa nguồn khách
Tuy rất vui mừng với việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế nhưng ông Phạm Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group đánh giá, so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Campuchia…, Việt Nam đã chậm chân hơn trong việc mở cửa. Do đó, để có thể thu hút khách du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng cần đẩy mạnh truyền thông về chính sách mở cửa du lịch Việt Nam, việc miễn thị thực cho khách quốc tế. Ngành du lịch xứ Trầm Hương cũng cần đa dạng hóa nguồn khách quốc tế, tránh phụ thuộc quá sâu vào một vài thị trường chính. Trong bối cảnh thị trường Đông Bắc Á và Nga còn gặp nhiều khó khăn, du lịch Khánh Hòa cần đẩy mạnh khai thác thị trường khách từ các nước ASEAN, sau đó mới tính đến các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, sau nữa là Trung Quốc.
Sau 2 năm dịch Covid-19, tâm lý và thị hiếu khách du lịch đã có nhiều thay đổi. Khách du lịch ngày càng coi trọng hơn các sản phẩm du lịch xanh, những chương trình du lịch gắn liền với chăm sóc sức khỏe. “Khánh Hòa cần phải hướng đến khách Tây Âu, Bắc Mỹ… Muốn vậy, phải có sự thay đổi sản phẩm du lịch để phù hợp với khách. Với lợi thế nghỉ dưỡng biển, du lịch Khánh Hòa cần xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, có những sản phẩm cao cấp hơn về du lịch biển đảo như tour du thuyền, các tour về văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần kiến nghị Chính phủ mở rộng hơn nữa việc miễn thị thực cho du khách quốc tế, kéo dài ngày hơn”, ông Phạm Hà nói.
Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa chia sẻ, 2 năm qua, ngành du lịch đóng băng nên phần lớn người lao động đã nghỉ việc hoặc tìm kiếm cơ hội khác. Khi ngành du lịch mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ thiếu hụt lao động chất lượng cao nên tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng lại lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cạn kiệt về tài chính nên cần có sự hỗ trợ thông qua những gói vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch: Để đẩy nhanh việc khôi phục thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Nha Trang - Khánh Hòa điểm đến “an toàn, văn minh, thân thiện”. Ngành cũng sẽ kết nối để khôi phục lại các thị trường truyền thống trước đây như Nga, Hàn Quốc…, đồng thời xúc tiến mở thêm các thị trường mới, trong đó có Ấn Độ. Sở Du lịch sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực nhằm xây dựng đội ngũ lao động chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục hồi du lịch trong giai đoạn bình thường mới… |
THÀNH NGUYỄN