Cam Lâm hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá mú

Thứ hai - 27/09/2021 17:59
Trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang có 253 tấn cá mú của người dân nuôi trong các ao đìa ở thị trấn Cam Đức và các xã: Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được. Hiện nay, địa phương tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cam Lâm hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá mú

Trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang có 253 tấn cá mú của người dân nuôi trong các ao đìa ở thị trấn Cam Đức và các xã: Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được. Hiện nay, địa phương tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ.


Cá chờ đầu ra


Gia đình ông Nguyễn Trưng Vương (xã Cam Hải Đông) có khoảng 4 tấn cá mú bông đang nuôi trong đìa. Trong đó, số cá đang đến kỳ thu hoạch nhưng chưa bán được có hơn 2 tấn. Tuy ông Vương muốn xuất bán bớt một phần để trang trải chi phí đầu tư, mua thức ăn cho lứa cá nhỏ hơn, nhưng dù giá cá xuống thấp vẫn chẳng mấy người mua. Liên hệ các thương lái hay thu mua cá mú thương phẩm của gia đình, họ cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra đối với cá mú hiện nay sụt giảm, kéo giá cá xuống thấp, lượng tiêu thụ không nhiều. Qua tìm hiểu, tại xã Cam Hải Tây có 5 hộ nuôi cá mú, với tổng sản lượng khoảng 20 tấn. Trong đó, sản lượng cá đến kỳ thu hoạch đang tồn đọng khoảng 5 tấn.

 

Việc tiêu thụ cá mú cho nông dân hiện nay hết sức khó khăn.

Việc tiêu thụ cá mú cho nông dân hiện nay hết sức khó khăn.


Những hộ nuôi cá mú tại các vùng nuôi trọng điểm của huyện Cam Lâm như: thị trấn Cam Đức, xã Cam Thành Bắc cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Võ Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cam Đức cho biết: “Trên địa bàn có 42ha ao đìa nuôi cá mú, tập trung ở các tổ dân phố Bãi Giếng Nam, Bãi Giếng Trung và Tân Hải, sản lượng thu hoạch mỗi đợt khoảng 800 tấn. Hiện nay, lượng cá mú đạt kích cỡ thương phẩm của 23 hộ nuôi ở thị trấn Cam Đức chưa bán được có hơn 200 tấn. Địa phương đang tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh, huyện để tìm kiếm đầu ra, hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá mú”. Tại xã Cam Thành Bắc, hàng chục tấn cá mú của nông dân vẫn đang được nuôi lưu giữ để chờ đầu ra. Hy vọng lớn nhất của người nuôi cá mú là dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, thị trường phục hồi thì việc tiêu thụ cá mú mới thuận lợi.


Lý giải về nguyên nhân cá mú và nhiều loại thủy sản khác khó tiêu thụ, một số thương lái cho biết, thị trường tiêu thụ cá mú nuôi ở huyện Cam Lâm chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu của thị trường giảm sút, nên gần đây tại huyện Cam Lâm có rất ít thương lái đi thu mua cá mú thương phẩm với số lượng lớn. Hiện nay, giá cá mú thương phẩm đã giảm hơn 50% so với bình thường, chỉ khoảng 150-160.000 đồng/kg. Ngoài 253 tấn cá mú đã đạt kích cỡ thương phẩm nhưng chưa tiêu thụ được, trên địa bàn huyện còn khoảng 10 tấn ốc hương cũng chờ xuất bán…


Kết nối tiêu thụ sản phẩm


Để tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân tiêu thụ cá mú, UBND huyện Cam Lâm đã có những giải pháp cụ thể, chỉ đạo các ngành, địa phương, đoàn thể liên quan hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra. Bên cạnh việc thành lập 3 điểm bán hỗ trợ, UBND huyện còn kiến nghị và được các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá mú đến các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, địa phương tiếp tục kết nối, vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản, người dân chung tay hỗ trợ tiêu thụ cá mú. Việc tiêu thụ sẽ được chính quyền cơ sở kết nối đến các hộ nuôi để bên bán - bên mua trao đổi trực tiếp về giá cả, sản lượng…


Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, không riêng địa bàn huyện Cam Lâm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại thủy sản nuôi trồng của nông dân các địa phương trong tỉnh đã đạt kích cỡ thương phẩm nhưng vẫn chưa xuất bán được. Cụ thể, tại huyện Vạn Ninh có 200 tấn ốc hương, 100 tấn cá chim, 160 tấn cá bớp; thị xã Ninh Hòa có 25 tấn ốc hương, 20 tấn cá biển các loại vẫn đang tồn đọng chưa tiêu thụ được. Ngoài việc lập các điểm hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho nông dân, các sở, ngành của tỉnh đang tích cực kết nối để hỗ trợ nông dân tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã giới thiệu, cung cấp thông tin các sản phẩm, đầu mối liên hệ để các sở, ngành, đơn vị, địa phương giới thiệu, quảng bá hỗ trợ tiêu thụ thủy sản cho nông dân huyện Cam Lâm nói riêng, trong tỉnh nói chung.


HẢI LĂNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp