Ngày 10-5, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo chống khai thác IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) tỉnh chủ trì họp ban chỉ đạo, tập trung thảo luận và kiến nghị các giải pháp, chính sách hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển.
7 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ trái phép
Vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh tiếp nhận thông tin, 3 tàu cá của ngư dân phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) với 32 thuyền viên đã bị phía Malaysia bắt giữ ngày 24-4 khi hoạt động trên ngư trường truyền thống của ngư dân Khánh Hòa, cách đường ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước khác hơn 7 hải lý. Cụ thể, tàu cá KH 96577 TS do ông Phan Thành Kim là chủ tàu, thuyền trưởng (trên tàu có 12 thuyền viên) bị bắt giữ trái phép tại vị trí cách đường ranh giới 7,37 hải lý. Tàu KH 93393 TS do ông Phan Quang là chủ tàu, ông Phan Thanh Minh làm thuyền trưởng (trên tàu có 10 thuyền viên) bị bắt giữ cách đường ranh giới 7,43 hải lý. Tàu KH 93197 TS do ông Phan Gia Phong là chủ tàu, thuyền trưởng (trên tàu có 10 thuyền viên) bị bắt giữ cách đường ranh giới 7,43 hải lý.
Qua làm việc với cơ quan chức năng, ông Phan Quang cho biết: Chiều 30-4, ông nhận được cuộc gọi từ ông Phan Thành Kim thông báo 3 tàu đang thả trôi trên vùng biển Việt Nam gần ranh giới cho phép khai thác thì bị tàu lạ cập vào, một số người lạ dùng súng uy hiếp, khống chế buộc 3 thuyền trưởng phải đưa tàu chạy theo tàu lạ về cảng Bintulu phía Malaysia giam giữ. Khi đưa về cảng Bintulu, cả 3 tàu cá đều bị đập phá; tịch thu tài sản, thủy sản khai thác được và toàn bộ số dầu trên tàu.
Trước đó, vào ngày 27-3, tàu cá KH 94356 TS (trên tàu có 4 thuyền viên) do ông Trần Văn Tài (Hòn Rớ, Phước Đồng, TP. Nha Trang) là chủ tàu, thuyền trưởng, hoạt động nghề câu cá ngừ đại dương, bị lực lượng Malaysia khống chế và kéo ra khỏi vùng biển Việt Nam khi đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam, cách ranh giới vùng biển nước ngoài 7,83 hải lý. Ngày 10-8-2020, 3 tàu cá của Công ty TNHH Lê Trứ, với 26 thuyền viên cũng bị phía Indonesia bắt giữ khi đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Khi có thông tin tàu cá bị nước ngoài bắt giữ trái phép, Chi cục Thủy sản đã phối hợp ngay với lực lượng Bộ đội Biên phòng xác minh thông tin, báo cáo UBND tỉnh các vụ việc. UBND tỉnh đã có các công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao quan tâm hỗ trợ, có biện pháp đề nghị phía Malaysia, Indonesia đảm bảo an toàn cho các thuyền viên và trao trả các tàu cá về Việt Nam; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các tàu cá khi về bờ. Đến nay, 26 thuyền viên trên 3 tàu cá của Công ty TNHH Lê Trứ đã được bảo hộ về nước an toàn. Đối với 3 tàu cá của ngư dân phường Ninh Thủy, Sở Ngoại vụ đã có văn bản gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đề nghị hỗ trợ”.
Cần hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cho rằng, Trung ương, tỉnh cần có chính sách, biện pháp đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực tế cho thấy, các tàu cá bị bắt giữ chủ yếu trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực, chưa được phân định rõ ràng. Do đó, kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan nhằm quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển tốt hơn, giảm thiểu tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép; đồng thời kịp thời hỗ trợ, cứu hộ tàu cá Việt Nam khi gặp nạn trên biển. Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ đối với chủ tàu cá và thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trái phép khi đang hoạt động phù hợp trên vùng biển Việt Nam. “Để hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác, cần tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại các vùng biển giáp ranh; có biện pháp để cảnh báo sớm cho ngư dân về nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa nói.
Kết luận cuộc họp, ông Đinh Văn Thiệu yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền ngư dân vươn khơi bám biển để vừa phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; triển khai các giải pháp hiệu quả để chống khai thác IUU, nhất là trong quản lý hoạt động của tàu cá từ khi xuất bến đến khi về bờ; thực hiện đúng, chặt chẽ các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ. Ông còn yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu việc cảnh báo sớm khu vực giáp ranh vùng biển nước ngoài cho tàu cá, bởi cách đường giáp ranh 3 hải lý mới cảnh báo như hiện nay là chưa phù hợp; khắc phục lỗi mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình tàu cá. UBND tỉnh sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ chủ tàu cá và thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trái phép khi đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường hiện diện trên các vùng biển giáp ranh để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi khai thác trên biển…
Toàn tỉnh có 3.222 tàu cá, 100% tàu cá đã được cập nhật số liệu đầy đủ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, 100% tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản. Trong đó, có 704 tàu khai thác vùng khơi, 759 tàu khai thác vùng lộng, số còn lại hoạt động vùng ven bờ. Trong số 704 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác hải sản ở vùng khơi, thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hiện nay vẫn còn 21 tàu tại TP. Nha Trang chưa lắp đặt thiết bị. |
HẢI LĂNG