"Gần đây, có một doanh nghiệp ở Hải Dương ký thỏa thuận để chúng tôi chuyển giao công nghệ nuôi tôm hùm thịt trong bể. Doanh nghiệp muốn nuôi với số lượng lớn ở một số tỉnh phía Bắc. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
“Gần đây, có một doanh nghiệp ở Hải Dương ký thỏa thuận để chúng tôi chuyển giao công nghệ nuôi tôm hùm thịt trong bể. Doanh nghiệp muốn nuôi với số lượng lớn ở một số tỉnh phía Bắc. Ba vấn đề căn bản nhất của nghề nuôi tôm hùm đã được giải quyết: Chuẩn hóa (quản lý) được môi trường nuôi tôm hùm; phát hiện và phòng trị bệnh trên tôm hùm; chủ động nguồn thức ăn công nghiệp” - Tiến sĩ Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tác giả công trình nghiên cứu nuôi tôm hùm trong bể trao đổi với phóng viên.
Nước sạch là số 1
- Năm 2018, tôi quan sát tôm hùm nuôi tại bể, thấy vỏ màu nhạt, giống như tôm bị bệnh, bây giờ nhìn số tôm đang đu ở lưới màu xanh khoẻ khoắn. Vấn đề nó nằm ở đâu?
- Đúng như anh nhận xét, chúng tôi đã khắc phục bằng cách thay đổi hệ thống lọc xử lý nước, điều chỉnh chất dinh dưỡng trong thức ăn công nghiệp do chúng tôi nghiên cứu và sản xuất ra. Bây giờ nhìn thấy những con tôm to 4 - 5 lạng/con, khỏe, có màu sắc giống như tôm nuôi ở bè, chứng tỏ nó phát triển bình thường như trong môi trường biển. Khi chúng tôi chuyển giao công nghệ nuôi tôm hùm trong bể cho Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, tỉnh Phú Yên, yêu cầu họ làm đồng bộ hệ thống lọc tuần toàn, điều chỉnh nhiệt độ nước, bể nuôi ở quy mô lớn hơn. Sau gần 3 năm nuôi tại thị xã Sông Cầu, Công ty Đắc Lộc đã xuất bán được 2 vụ, sản lượng tính bằng tấn. Từ thành công mô hình này, UBND tỉnh Phú Yên đang dự kiến quy hoạch vùng nuôi tôm hùm trong bể quy mô lớn. Qua nuôi thực tiễn ở Trung tâm giống quốc gia hải sản miền Trung (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) và Công ty Đắc Lộc, tôi tin tưởng công trình nghiên cứu nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể đã thành công, có thể sản xuất hàng hóa.
- Thông thường, công trình nghiên cứu thành công, nhà khoa học sẽ “dọn dẹp” đồ. Vì sao tiến sĩ vẫn cứ lọ mọ nghiên cứu nuôi tôm hùm trong bể tiếp?
- Nguồn nước sạch là số 1 đối với nuôi tôm hùm trong bể, tôi tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tuần hoàn nước. Đặc biệt, nghiên cứu và sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm, là vấn đề rất mới, phức tạp đòi hỏi nhiều năm để hoàn thiện. Đây là lý do cho đến bây giờ trên thị trường vẫn chưa có thức ăn công nghiệp chuyên dùng nuôi tôm hùm. Trong nuôi tôm hùm, tiền đầu tư thức ăn chiếm khoảng 40% tổng chi phí. Thức ăn tốt, tôm sẽ nhanh lớn; thức ăn kém, tôm chậm lớn. Tại sao thức ăn nuôi cá biển, tôm he của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) rất tốt, bởi vì họ đã phát triển ngành này mấy chục năm rồi. Lúc đầu họ cũng làm thủ công, liên tục cải tiến, đúc rút kinh nghiệm và hoàn thiện công thức cũng như quy trình sản xuất. Tôi học theo cách tiếp cận này, về đức tính cẩn thận, tỉ mỉ trong nghiên cứu và sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi.
- Ngư dân nuôi tôm hùm trên biển thường xuyên bị “trắng tay” do bão, lũ và dịch bệnh tàn phá. Tại sao ngư dân vẫn chưa áp dụng quy trình nuôi tôm hùm trong bể được?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, trước mắt định hướng nhân rộng mô hình nuôi tôm hùm trong bể cho các doanh nghiệp, bởi vì doanh nghiệp có đủ điều kiện và thực hiện đúng, chuẩn các bước trong quy trình nuôi. Bà con ngư dân đã quen với mô hình nuôi lồng và cũng hay “làm tắt” thì nguy cơ rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nhân rộng mô hình mới này. Chờ đến khi quy trình nuôi được “đơn giản”, thuần thục, chuẩn thức ăn công nghiệp và sản xuất bằng dây chuyền hàng loạt, ngư dân tiếp cận công nghệ nuôi sẽ dễ thành công.
Ốc hương có chế độ ăn công nghiệp riêng
- Lần trước tôi nhìn thấy dưới hồ nuôi ốc hương có nhiều xương cá còn sót lại, bây giờ thấy mặt đáy sạch không có một cái xương cá nào. Tiến sĩ làm sạch nước bằng công nghệ gì?
- Mấy hồ nuôi ốc hương đang dùng chung với hệ thống tuần hoàn nước của nuôi tôm hùm. Vụ nuôi này, cho ốc hương ăn 100% thức ăn công nghiệp do chúng tôi tự nghiên cứu và sản xuất, nên không để lại chất thải nào trên mặt đáy. 3 giờ chiều là đến giờ cho ốc ăn, anh quan sát kỹ tại bể nuôi để “mắt thấy, tai nghe, tay sờ ốc”. Anh em đang pha trộn và hấp chín thức ăn bên trong trại, mời anh vào “chứng kiến”.
- Nói thật, tôi vẫn thích kết quả thực tiễn tại bể nuôi như thế nào?
- Muốn nhìn thấy thực tiễn, anh đi với tôi đến xem bể nuôi bằng “mô hình mới” 100% cho ăn thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi hơn 5 tháng (lúc thả giống là 8.000 con/kg) kích cỡ ốc hiện giờ đã đạt 160 con/kg, tháng sau sẽ xuống còn 140 con/kg. Với thời gian nuôi như thế này, là nhanh tương đương so với bà con nuôi ốc ngoài đìa cho ăn cá tạp. Hiện tại, ở dưới đìa chúng tôi có mấy tấn ốc thịt, nuôi chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp, đã đủ kích cỡ bán rồi, nhưng giá đang rẻ 140.000 đồng/kg, chờ lên khoảng 170.000 đồng sẽ xuất bán.
Thời gian vừa rồi, tôi có bán thử 1,5 tấn thức ăn ốc hương do nhóm nghiên cứu và sản xuất cho ngư dân ở tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, chia ra nhiều đợt, ốc thịt nuôi trong đìa của họ đã xuất bán ngon lành. Như vậy, thức ăn công nghiệp bước đầu đã được ngư dân đón nhận và cũng tạo động lực để nhân rộng mô hình nuôi ốc hương bằng thức ăn công nghiệp.
- Tiến sĩ vừa nói: Bể nuôi bằng “mô hình mới”. Cụ thể nó là cái gì?
- Thực ra chỉ cải tiến nguồn nước sạch cấp hàng ngày và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong thức ăn. Nói đơn giản vậy, nhưng anh em phải mất mấy năm mới phát hiện ra nó, đang áp dụng nuôi ở các hồ 150m2, ốc đã đạt kích cỡ 300 - 500 con/kg rồi, số này sẽ bán vào dịp Tết nguyên đán năm 2022. Hy vọng mô hình mới này là cơ sở quan trọng góp phần làm thay đổi căn bản nghề nuôi ốc hương, người nuôi có thu nhập xứng đáng, bền vững.
- Người nuôi tôm hùm và ốc hương mong chờ gì từ hai loại thức ăn tiến sĩ đang nghiên cứu và sản xuất?
- Tôi là người nuôi trồng thủy sản nên hiểu được tâm trạng của người nuôi mong muốn sớm có thức ăn công nghiệp thay thế trong nuôi tôm hùm và ốc hương. Hai đối tượng nuôi này đem lại tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng cũng bị nhiều rủi ro, nhiều người vẫn bị trắng tay như thường. Khi đưa vào sản xuất đồng loạt, giá thành rẻ hơn, thức ăn công nghiệp sẽ thay thế một phần hoặc hoàn toàn thức ăn tươi, người nuôi sẽ chủ động nguồn thức ăn về số lượng và chất lượng, giảm tối đa ô nhiễm môi trường nước, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Hải Luận (Thực hiện)
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tags: Viet Nam,
giao duc,
xa hoi,
kinh te,
the thao,
phap luat,
Báo Khánh Hòa điện tử,
bao Khanh Hoa,
bao Khanh Hoa dien tu,
the gioi,
van hoa,
khoa hoc,
cong nghe,
vien thong,
bong da,
giai tri,
suc khoe,
xe may,
nha dat,
o to,
tong hop tin tuc,
bao moi,
dien dan,
ban doc,
truc tuyen,
vckm,
cms,
vsolutions