Đầu tư công chậm vì dịch Covid-19

Thứ năm - 19/08/2021 22:13
6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không cao; sang tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc giải ngân càng gặp khó khăn. Nếu không có giải pháp, đến ngày 30-9, tỷ lệ giải ngân mà Chính phủ đề ra (đạt trên 60%) sẽ khó thực hiện được. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đầu tư công chậm vì dịch Covid-19

6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không cao; sang tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc giải ngân càng gặp khó khăn. Nếu không có giải pháp, đến ngày 30-9, tỷ lệ giải ngân mà Chính phủ đề ra (đạt trên 60%) sẽ khó thực hiện được.


Thi công ngưng trệ


Hết ngày 30-7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 32,4% so với kế hoạch vốn thực tế được giao; nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hầu như tất cả dự án đều phải ngừng thi công. Huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân phân cấp cấp huyện rất cao và là “vùng xanh”, nhưng các công trình hiện cũng gặp khó khăn bởi vật liệu xây dựng đều được lấy từ Nha Trang (đối với Khánh Vĩnh) và Cam Ranh (đối với Khánh Sơn), trong khi nhiều khu vực bị phong tỏa, không thể đưa vật liệu ra ngoài được.

 

Một công trình tại Khánh Vĩnh gặp khó vì thiếu nhân công.

Một công trình tại Khánh Vĩnh gặp khó vì thiếu nhân công.


Các địa phương khác như: Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều dự án có người lao động đang cư trú tại vùng có dịch, vì vậy việc thi công đều phải tạm dừng. Ngoài ra, một số dự án trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nhưng dịch bệnh xảy ra, cơ quan thẩm định giá không thể tiến hành khiến dự án không thể triển khai.


Với các địa phương ở tâm dịch như Ninh Hòa, Nha Trang, gần như 1 tháng nay, mọi công trình, dự án đầu tư công đều dừng để thực hiện việc giãn cách xã hội. Tại thị xã Ninh Hòa, một số công trình dù đã hoàn thành khối lượng thi công theo kế hoạch, song vì phải tập trung chống dịch nên chậm trễ trong việc thanh, quyết toán đối với kho bạc.

 

 Các công trình giao thông tại Nha Trang phải dừng thi công cả tháng nay.

Các công trình giao thông tại Nha Trang phải dừng thi công cả tháng nay.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải xác nhận, từ ngày 9-7, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn về việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Khi một số địa phương thực hiện giãn cách và xuất hiện thêm nhiều khu phong tỏa thì khó khăn này càng không thể giải quyết. Các địa phương bị phong tỏa lại áp dụng không đồng nhất các quy định và hơi cứng nhắc, dẫn tới nhiều vướng mắc, hạn chế cản trở các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.


Tìm giải pháp phù hợp

 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho tỉnh Khánh Hòa hơn 3.784 tỷ đồng; tuy nhiên, căn cứ khả năng thu ngân sách của tỉnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tỉnh chỉ phân bổ và giao kế hoạch vốn thực tế hơn 3.374 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-7, tỉnh giải ngân được gần 29% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 32,4% so với kế hoạch vốn thực tế được tỉnh giao. Toàn tỉnh vẫn còn 15 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của tỉnh.

Trước những khó khăn do dịch Covid-19, các chủ đầu tư nhận định đến ngày 30-9, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 60% theo kế hoạch đề ra là một bài toán khó, cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Ông Nguyễn Văn Nhựt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép các công trình xây dựng trong các khu vực “vùng xanh” được tiếp tục thi công trong giai đoạn thực hiện giãn cách. Các chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, trong đó có nguyên tắc “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, UBND tỉnh nên xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan trong năm 2021. Đối với các dự án có quy mô lớn nhưng tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư chậm, đề nghị lãnh đạo tỉnh tổ chức họp giao ban 1 tuần/lần. Các chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện, cập nhật kết quả giải ngân, những khó khăn, vướng mắc đã xử lý hoặc chưa xử lý từng dự án và kiến nghị để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện….


Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: “Để giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tìm giải pháp phù hợp; tăng cường họp trực tuyến, giải quyết công việc; bố trí, sắp xếp lại trình tự làm việc cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong thời gian dịch bệnh khiến việc thi công chưa thể tiến hành, các chủ đầu tư cần tranh thủ nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý trong quản lý vốn và chuẩn bị sẵn sàng sau khi hết dịch tập trung giải ngân, hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh. Quá trình triển khai thực hiện các dự án, nếu gặp vướng mắc phải báo cáo ngay với UBND tỉnh, nhất là vướng mắc về công tác đền bù giải tỏa”. Ông Lê Hữu Hoàng cũng đề nghị các huyện tăng cường công tác chỉ đạo điều hành để nâng cao giải ngân vốn do cấp huyện quản lý. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần xây dựng phương án cụ thể để triển khai tốt việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa triển khai các kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế.


Đình Lâm

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp