Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng: Nông dân gặp khó

Thứ hai - 28/03/2022 12:40
Thời gian qua, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… liên tục tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng: Nông dân gặp khó

Thời gian qua, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… liên tục tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.


Sản xuất gặp khó khăn


Vụ lúa năm nay, hộ ông Nguyễn Khiêm (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) trồng 1ha. Hiện nay, gia đình ông đã thu hoạch một nửa diện tích lúa trà đầu, sản lượng đạt khoảng 60 tạ/ha, giảm 5-10 tạ/ha so với năm ngoái. Số diện tích lúa còn lại bị sâu bệnh hại hơn 50%, ông Khiêm đang lo vì thu hoạch chẳng được bao nhiêu nhưng lại tốn tiền công gặt lúa. Thời gian qua, chi phí đầu tư tăng cao do giá phân bón, thuốc BVTV tăng khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chi phí đầu tư cho 1ha lúa khoảng 17-18 triệu đồng, nay tăng lên 23-24 triệu đồng, trong đó chi phí phân bón chiếm tới 60%. Hiện tại, giá lúa thấp nên sau khi trừ chi phí, gia đình ông không có lãi, thậm chí bị lỗ. “Tôi nghe thông tin, thời gian tới, giá phân bón, thuốc BVTV… tiếp tục tăng nên phải tính toán lại diện tích trồng lúa vụ tới”, ông Khiêm nói.

 

Người dân mua phân bón tại một cửa hàng trên đường 23-10.

Người dân mua phân bón tại một cửa hàng trên đường 23-10.


Bà Nguyễn Thị Thu (xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) cho biết, gia đình bà có 0,7ha bưởi da xanh đã 5 năm tuổi. Hiện nay, bưởi bước sang vụ thu hoạch năm thứ 2. Thế nhưng, từ khi bưởi cho trái đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra rất bấp bênh, bưởi rớt giá thê thảm. Năm 2021, giá bưởi bình quân 16.000 đồng/kg, năm nay tăng lên khoảng 18.000 đến 20.000 đồng/kg. Giá bưởi tăng ít nhưng chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV cho vườn bưởi lại tăng gấp nhiều lần nên không biết bao giờ mới lấy lại vốn.


Theo bà Trần Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) VietGap Nha Trang, trước đây, HTX trồng 3ha rau ăn lá và các loại rau gia vị khác, nhưng nay giảm xuống chỉ còn 1ha do hạn chế về đầu ra. Sản lượng giảm 60%, giá sản phẩm không tăng do đơn vị đã ký hợp đồng ổn định giá từ trước với các siêu thị. Trong khi đó, giá phân bón tăng cao đã đội chi phí đầu tư sản xuất nên HTX gặp khá nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí nhân công và tái đầu tư sản xuất.


Nguy cơ giảm đầu tư, bỏ ruộng


Theo ông Võ Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Diên Hòa (Diên Khánh), so với năm 2021, giá phân bón hiện nay đã tăng gần 50%, giá thuốc BVTV tăng 20-30%, công gặt lúa cũng tăng khá cao. Trong khi đó, vụ lúa năm nay trên địa bàn huyện Diên Khánh bị nhiễm sâu bệnh nên năng suất chỉ đạt khoảng 60-65 tạ/ha, giảm hơn 10 tạ/ha so với năm 2021. Vụ lúa này, các thành viên HTX Diên Hòa trồng 210ha, đã thu hoạch khoảng 70% diện tích. Giá lúa hiện nay chỉ khoảng 6.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với năm 2021, trong khi giá đầu tư tăng cao nên các thành viên gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Hàng năm, HTX chủ động nguồn vật tư đáp ứng khoảng 60% cho các thành viên. HTX vừa nhận được thông báo của các đại lý cấp 1 tiếp tục điều chỉnh tăng giá phân bón. Hiện nay, HTX không dám nhập phân bón trữ trước vì tiền phân bón ứng trước cho các thành viên mùa này vẫn chưa thu lại được. Trong khi đó, giá phân bón tăng chưa có dấu hiệu dừng lại, chi phí đầu tư cao, trồng lúa không hiệu quả nên khả năng người dân giảm đầu tư, bỏ ruộng hoặc cho thuê lại, không làm nữa là rất lớn.


Để hỗ trợ cho nông dân sản xuất, ngay từ đầu vụ, HTX Nông nghiệp Diên Phước (Diên Khánh) đã ứng trước gần 2 tỷ đồng cho các thành viên mua phân bón, thuốc BVTV… đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, vụ lúa năm nay, do tình hình dịch bệnh, năng suất lúa thu hoạch đạt thấp, trong khi giá phân bón cao nên các thành viên bị thua lỗ. Vì vậy, việc thu hồi lại vốn đầu tư của HTX gặp nhiều khó khăn, HTX cũng chưa có kế hoạch mua phân bón dự trữ cho vụ tới.


Ghi nhận từ các đại lý phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, giá phân bón bắt đầu tăng cao liên tục từ giữa năm 2021. Từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 đến nay, giá phân bón đã tăng lần thứ 3 liên tiếp, lần gần nhất là ngày 16-3, tăng khoảng 5-8% tùy loại so với tháng 2. Như vậy, so với năm 2021, giá các loại phân bón tăng gần 50%, mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, phân Urê có giá từ 850.000 đồng đến 1 triệu đồng/bao 50kg; NPK giá từ 900.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/bao 50kg; DAP từ 950.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/bao… Nguyên nhân giá phân bón trong nước tăng mạnh thời gian qua là do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới tăng mạnh; đặc biệt, sau khi một số nước (Trung Quốc, Nga) hạn chế xuất khẩu phân bón, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tận dụng thời cơ để xuất khẩu, dẫn đến nguồn cung trong nước hạn chế nên đã tăng giá thành bán lẻ. Cùng với đó, những tháng qua, giá cước tàu biển và container tăng cũng làm tình hình vận chuyển và giá cả tăng lên. Theo các công ty, đại lý phân bón, để hạn chế đà tăng giá phân bón hiện nay, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu.


KHÁNH HÀ



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp