Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã nỗ lực thực hiện thành lập, duy trì hoạt động các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tổ hợp tác. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, quy mô các mô hình kinh tế tập thể chưa phát huy vai trò trong việc hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế.
Chưa phát huy hết vai trò
Theo lãnh đạo huyện, cùng với các thành phần kinh tế khác, HTX, tổ hợp tác đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn, thu nhập của thành viên và người lao động ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Các HTX, tổ hợp tác đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản... Điểm sáng trong hoạt động của HTX thời gian qua là sản phẩm bưởi da xanh của HTX cây ăn quả Khánh Đông đạt chứng nhận OCOP (3 sao). Ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc HTX cây ăn quả Khánh Đông cho biết, sản phẩm bưởi da xanh của HTX được trồng theo chuẩn VietGAP, nhờ đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm có tem, bao bì, nhãn riêng và mã truy xuất nguồn gốc nên khi đưa ra thị trường, sản phẩm có phần lợi thế hơn về thương hiệu...
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện thì việc duy trì, phát triển hiệu quả các HTX, tổ hợp tác của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Việc quản lý, điều hành hoạt động của các HTX, tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn do trình độ, năng lực tổ chức và nghiệp vụ chuyên môn của một số tổ trưởng tổ hợp tác còn hạn chế; các tổ hợp tác chưa phát huy hiệu quả trong hoạt động liên kết tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm hợp tác. Với các HTX, thành lập chủ yếu hợp tác trong khâu sản xuất, chưa tiếp cận được vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm trong hoạt động kinh doanh; có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật còn hạn chế. Việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các HTX, tổ hợp tác gặp nhiều khó khăn... Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, tại các tổ hợp tác, HTX, việc tiêu thụ nông sản chỉ dừng lại ở hình thức nhỏ lẻ, mỗi thành viên của HTX, tổ hợp tác tự tiêu thụ sản phẩm của mình. Ông Phan Văn Thuận - Giám đốc HTX Sông Cầu cho biết, do dịch bệnh, giá bưởi da xanh giảm khoảng 50% so với bình thường, việc tiêu thụ rất khó khăn, nên các thành viên của HTX đều phải tự tìm đầu ra cho nông sản. Việc phát huy hiệu quả của HTX còn hạn chế.
Nỗ lực khơi dậy thế mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2021, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp luôn gặp nhiều trở ngại do tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh với cây trồng, vật nuôi, thị trường tiêu thụ không ổn định, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Về nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được Trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ trong thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ so với nhu cầu. Quy mô các HTX, tổ hợp tác còn nhỏ, cơ sở vật chất, trình độ còn hạn chế... nên việc phát triển ổn định cần có thời gian, từng bước để thực hiện.
Ông Thuận cho biết, thời gian tới, để góp phần hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động như: Rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn các HTX thành lập mới, thu hút thêm thành viên tham gia, tăng số vốn điều lệ của HTX; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX... Thực hiện thí điểm mô hình đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp. Kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực tiếp tục tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với các HTX nhằm góp phần tạo sự bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở địa phương...
V.THÀNH