Nhu cầu rau xanh không giảm, thậm chí tăng lên, tuy nhiên người trồng rau lại đang phải thu hẹp diện tích, hoặc tạm ngừng sản xuất. Nghịch lý này xảy đến khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Thu hẹp diện tích
Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa là đơn vị chuyên cung cấp rau sạch với các loại rau như: Cải xanh, cải ngọt, mùng tơi, rau muống, dưa leo, bầu, bí, mướp… cho thị trường Nha Trang qua kênh siêu thị với hơn 1 tấn rau/ngày. Theo bà Lê Thị Hòa Khánh - thành viên nòng cốt của HTX sản xuất rau an toàn Ninh Đông, bình thường, HTX sản xuất rau trên diện tích 3ha, ngoài ra còn liên kết với các hộ sản xuất rau đạt tiêu chuẩn trong vùng thêm 5ha nữa để đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chủng loại và chất lượng các loại rau theo hợp đồng tiêu thụ đã ký kết với các siêu thị. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều lao động của HTX ở trong khu phong tỏa, đi lại hết sức hạn chế. Thời điểm dịch xảy ra lại trùng vào giai đoạn thời tiết nắng nóng kéo dài nên HTX buộc phải giảm diện tích xuống còn hơn 1ha, diện tích liên kết cũng bị giảm nghiêm trọng.
HTX VietGAP Nha Trang chuyên cung cấp rau đã qua sơ chế, đóng gói cho hệ thống siêu thị mini và 5 siêu thị lớn trên địa bàn TP. Nha Trang với sản lượng 300 - 400kg mỗi ngày. Bà Trần Thị Kim Loan - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX VietGAP Nha Trang cho biết, bình thường, việc sản xuất, tiêu thụ rất ổn định về sản lượng, thời gian, địa điểm, cách thức giao hàng theo hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, phía đối tác yêu cầu tăng sản lượng lên cao, thị trường cần đến 2 tấn/ngày, gấp 5 lần so với bình thường. Tuy toàn bộ thành viên HTX đã nỗ lực, tăng ca liên tục nhưng trong điều kiện nhân lực bị hạn chế do dịch bệnh, việc tăng vọt sản lượng đặt ra nhiều thách thức về chất lượng. Vì vậy, đầu tháng 8, đơn vị buộc phải làm việc với các đối tác để giảm sản lượng. Trong thời gian ngắn tới đây, việc sản xuất rau của HTX còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn do bao bì đóng gói đã cạn kiệt, trong khi đối tác cung cấp bao bì tại TP. Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng dịch bệnh, không sản xuất được. Đơn vị đang xem xét tạm ngưng hoạt động một thời gian để giải quyết những khó khăn đang gặp phải.
Cần trợ lực
Các HTX với những hợp đồng kinh tế có tính chất ổn định, bền vững còn khó khăn như vậy, thì những nhà vườn chuyên bán rau cho các thương lái để đến những chợ truyền thống còn khó khăn hơn. “Các thương lái chuyên thu mua rau của nhà tôi đã tạm ngưng hoạt động khi chợ truyền thống đóng cửa. Rau xanh buộc phải để cho già héo ngoài vườn vì không biết phải đưa ra thị trường ở kênh nào, cho ai?”, ông Nguyễn Hữu Phong - nông dân có gần 2.000m2 trồng rau ở xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh cho biết. Đây cũng là tình cảnh chung mà hầu hết những người trồng rau “hàng chợ” đang gặp phải. Nhiều hộ phải tạm ngưng sản xuất, một số hộ khác trồng ra không bán được.
Trước tình hình đó, Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh đã giao cho Hội Phụ nữ tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đảm nhiệm việc hỗ trợ kịp thời cho nông dân, hội viên gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Trong ngày 4-8, trung tâm đã thu mua 4 tấn rau của người trồng rau ở xã Ninh Đông, Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa) để cung cấp cho các đối tượng khó khăn trong các khu phong tỏa.
Về lâu dài, người nông dân làm ra sản phẩm mong muốn có được giải pháp căn cơ hơn. Theo ông Nguyễn Thanh Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Nông Phát, đơn vị chuyên cung ứng rau sạch tại xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa: “Do không có đủ cơ số lao động cần thiết; việc sản xuất, đóng gói, giao hàng trong điều kiện hiện nay chưa đảm bảo an toàn, vì vậy, hơn 1 tháng qua, đơn vị đã tạm ngưng cung ứng rau xanh ra thị trường. Chúng tôi mong muốn Nhà nước xem xét, sớm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những đối tượng trong chuỗi sản xuất hàng hóa thiết yếu, nhằm giúp người lao động yên tâm làm việc, sản phẩm làm ra nhờ đó cũng an toàn hơn”.
Lãnh đạo của 2 HTX sản xuất rau an toàn Ninh Đông và Nha Trang nêu trên cũng mong muốn Nhà nước sớm đưa các đối tượng trong chuỗi cung ứng tiêm phòng đầy đủ. Trước mắt, hỗ trợ cho các HTX chi phí lấy mẫu test nhanh Covid-19. Vì hiện nay, cứ 3 ngày các HTX lại tốn thêm chi phí khoảng 1 triệu đồng để test cho 3 - 4 nhân viên giao hàng theo quy định. Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách, tạo khoảng cách an toàn trong sản xuất, đóng gói, vận chuyển… cũng khiến các HTX phải tốn thêm chi phí đầu tư. Giá thành sản xuất vì thế tăng lên không nhỏ. Trong khi chủ trương không được tăng giá bán và bản thân các hợp đồng đã ký với phía tiêu thụ cũng đã quy định giá bán ổn định khiến các HTX làm ra sản phẩm gần như không có lời.
Đây là những khó khăn mà nông dân đang gặp phải, cần sự trợ lực thiết thực hơn nữa từ Nhà nước nhằm đạt được mục tiêu không để đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hồng Đăng