Người nuôi trồng thủy sản khẩn trương ứng phó với mưa bão

Thứ hai - 25/10/2021 18:24
Rút kinh nghiệm qua thiệt hại từ mưa bão những năm trước, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (có thể mạnh lên thành bão - cơn bão số 9), người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh Khánh Hòa đang tất bật gia cố lồng bè. Được biết, sáng 26-10, người nuôi trồng thủy sản sẽ rời bè vào bờ để tránh trú.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Người nuôi trồng thủy sản khẩn trương ứng phó với mưa bão

Rút kinh nghiệm qua thiệt hại từ mưa bão những năm trước, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (có thể mạnh lên thành bão - cơn bão số 9), người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong tỉnh Khánh Hòa đang tất bật gia cố lồng bè. Được biết, sáng 26-10, người NTTS sẽ rời bè vào bờ để tránh trú.


Chiều 25-10, cùng với lực lượng của Trạm Thủy sản Vạn Ninh, Đồn Biên phòng Vạn Hưng đi tuyên truyền cho các hộ dân NTTS khu vực vùng biển Vạn Hưng - Vạn Lương - thị trấn Vạn Giã ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Chúng tôi ghi nhận được không khí hối hả, khẩn trương của người dân khi tập trung neo thêm dây, gia cố lồng nuôi... để chủ động ứng phó với mưa bão.

 

Người nuôi trồng thủy sản tại huyện Vạn Ninh đang tất bật gia cố lồng nuôi thủy sản để ứng phó với mưa bão.

Người nuôi trồng thủy sản tại huyện Vạn Ninh đang tất bật gia cố lồng nuôi thủy sản để ứng phó với mưa bão.


Ông Trương Văn Dư (thị trấn Vạn Giã), người nuôi cá bớp trên vịnh Vân Phong cho hay: “Gia đình tôi có hơn 3.000 con cá bớp đang nuôi trong 40 lồng chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Để chủ động ứng phó với mưa bão sắp đến, tôi đã đặt 13 neo quanh bè nuôi; gia cố lại các lồng nuôi; những lồng nuôi nào yếu, không đảm bảo an toàn thì tiến hành dồn cá sang lồng khác; may kín miệng lồng để tránh thiệt hại. Rút kinh nghiệm thiệt hại từ những năm trước, tôi không dám chủ quan mà phải cố gắng gia cố hết sức. 6 giờ sáng mai cho cá ăn xong, toàn bộ 3 nhân công sẽ rời bè vào bờ tránh trú”.


Tương tự, trên bè nuôi hàu của gia đình ông Dương Văn Lâm (xã Vạn Lương) cũng bất bật cảnh mọi người tranh thủ thu hoạch non hàu để bán và gia cố lại bè nuôi. “Cơn bão số 12 năm 2017 khiến cho gia đình tôi thiệt hại hết sức nặng nề, nên bây giờ dù bão lớn hay nhỏ đều phải cẩn trọng ứng phó, không dám lơ là. Hiện nay, mặc dù khoảng 50 tấn hàu vẫn còn nhỏ nhưng 2 ngày qua tôi vẫn quyết định thu bán bớt với giá 10.000 đồng/kg, đã bán được hơn 5 tấn, sợ để lại mà bị thiệt hại thì sẽ càng nặng nề thêm. Qua tuyên truyền của lực lượng chức năng, sau khi hoàn tất việc thu hoạch hàu và gia cố lại lồng bè, tối nay, toàn bộ 5 người trên bè sẽ trở về bờ”, ông Lâm nói.

 

Ông Dương Văn Lâm chấp nhận thu hoạch hàu kích cỡ nhỏ để tránh thiệt hại.

Ông Dương Văn Lâm chấp nhận thu hoạch hàu kích cỡ nhỏ để tránh thiệt hại.

 

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, đến 17 giờ ngày 25-10, toàn tỉnh có 331 tàu cá, với 1.978 thuyền viên đang hoạt động ở các vùng biển Trường Sa, Kiên Giang, khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận. Cơ quan chức năng đã liên lạc được với toàn bộ số tàu cá này; có 6 tàu đang nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Trạm bờ của Chi cục Thủy sản đã thông báo tình hình của áp thấp nhiệt đới, hướng dẫn ngư dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Trường - Trạm trưởng Trạm Thủy sản Vạn Ninh cho biết: “Trên địa bàn huyện Vạn Ninh hiện có 1.337 bè nuôi thủy sản lớn nhỏ, với khoảng 39.788 lồng nuôi; số lao động trên các bè nuôi hơn 2.600 người. Với diễn biến khó lường của áp thấp nhiệt đới, Trạm Thủy sản Vạn Ninh đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, chính quyền các địa phương ven biển Vạn Ninh tổ chức tuyên truyền cả trên bờ lẫn trên biển để người dân nắm bắt thông tin mưa bão; đề nghị người dân đưa tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; các hộ NTTS di dời lồng bè đến nơi an toàn; chằng néo cẩn thận; tuyên truyền, vận động người dân chậm nhất đến 6 giờ ngày 26-10 phải rời khỏi các bè nuôi để vào bờ tránh trú...”.


Ghi nhận tại vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè trên đầm Nha Phu, toàn bộ 70 hộ nuôi thủy sản tại đây đã nắm bắt được thông tin áp thấp nhiệt đới dự báo đi vào vùng biển Khánh Hòa, nên chủ động tập trung gia cố lại 142 lồng nuôi cá bớp, 26 lồng nuôi cá mú, 64 lồng nuôi cá chẽm, 135 lồng nuôi cá bè, 51 lồng nuôi tôm hùm xanh... Qua trao đổi, các hộ nuôi cho biết, sáng 26-10, họ sẽ rời bè vào bờ.


Còn thông tin từ Trạm Thủy sản Cam Ranh cho biết, các hộ NTTS trên vịnh Cam Ranh cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn lồng bè NTTS với diễn biến phức tạp của mưa bão sắp đến…


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có 2.818 bè NTTS, với 113.562 ô lồng và hàng nghìn lao động trên biển. Với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương cập nhật tình hình NTTS trên biển; tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Chi cục đã chỉ đạo cho các trạm thủy sản trực thuộc phối hợp với lực lượng chức năng địa phương vận động người dân di dời bè nuôi đến nơi an toàn, chủ động gia cố lồng bè; nhắc nhở người dân không được ở lại trên lồng bè, chòi canh bè khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào...”.


HẢI LĂNG


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp