Những năm qua, thông qua xây dựng các mô hình trình diễn thử nghiệm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đến nông dân. Nhiều mô hình trong số này đã trở thành hướng đi mới hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai xây dựng 3 nhà màn tại Trại thực nghiệm giống cây trồng Suối Dầu (huyện Cam Lâm), mỗi nhà màn rộng 1.500m2 để trồng dưa lưới VietGAP. Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhà màn giúp người sản xuất có thể kiểm soát được dịch bệnh, môi trường, ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, bón phân theo nhu cầu… Nhờ đó, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, tạo ra sản phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường chấp nhận. Qua tính toán, mỗi vụ trồng và thu hoạch dưa kéo dài khoảng 3 tháng, thu về hàng trăm triệu đồng/vụ. Đến cuối năm nay, mô hình sẽ kết thúc giai đoạn thử nghiệm, đánh giá để chuyển giao, nhân rộng cho nông dân.
Trung tâm cũng đã triển khai hàng loạt mô hình trồng và thâm canh cây ăn quả như: Bưởi da xanh, táo, mãng cầu dai... đạt tiêu chuẩn VietGAP tại TP. Cam Ranh và huyện Khánh Vĩnh. Qua đánh giá, các mô hình đã mang lại hiệu quả, sản phẩm đạt năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế tăng 25-30% so với sản xuất truyền thống. Mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP triển khai tại huyện Cam Lâm đã áp dụng phương pháp xử lý ra hoa nghịch vụ để cho ra những sản phẩm trái vụ nhằm giảm áp lực khi sản lượng sản phẩm chính vụ quá lớn, khó tiêu thụ. Sản phẩm của mô hình này còn được dán mã QR để có thể truy xuất nguồn gốc, đáp ứng một trong những đòi hỏi của thị trường cao cấp và xuất khẩu chính ngạch.
Chăn nuôi chất lượng cao
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ phụ trách chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, 2 năm qua, mô hình ứng dụng phối giống bò cái địa phương với bò lai Droughtmaster, BBB đã mang lại những kết quả trong việc cải tạo đàn bò. Mô hình triển khai tại các địa phương: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa từ tháng 6-2020 và dự kiến kết thúc vào tháng 6-2023. Đến nay, mô hình đã tạo ra 410 con bê lai F1 với ưu thế vượt trội về khối lượng, bê dễ nuôi, lớn nhanh, tỷ lệ thịt xẻ cao, thịt thơm ngon... Ước tính hiệu quả kinh tế tăng hơn 20% so với các giống cũ.
Với đàn gà, hoạt động khuyến nông tập trung vào mô hình chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học, được triển khai tại 6 hộ nuôi với tổng đàn 2.100 con gà giống Phùng Dầu Sơn (thị xã Ninh Hòa). Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để làm đệm lót, giúp đàn gà khỏe mạnh, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt; tỷ lệ gà sống đến xuất chuồng đạt 94%; trọng lượng khi xuất chuồng 1,7kg. Cùng với hiệu quả kinh tế, mô hình còn giúp người chăn nuôi hiểu và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Đối với đàn dê, cừu, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình ứng dụng biện pháp luân chuyển đực giống để cải tạo đàn dê, cừu đạt năng suất, chất lượng cao. Mô hình triển khai trên đàn cừu 44 con của 4 hộ, 40 con dê của 4 hộ tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh; hỗ trợ giống cừu Doper và giống dê Boer. Đây là những giống có ưu thế phát triển tốt, thích nghi với khí hậu Nam Trung Bộ. Qua đánh giá, chất lượng dê, cừu con sau sinh tăng lên, trọng lượng tăng 25-30% so với giống cũ tại địa phương.
Hướng tới phát triển thủy sản bền vững
Trước những biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn đến nuôi biển, hoạt động khuyến nông những năm gần đây đã triển khai mô hình nuôi biển bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy. Dự án thực hiện xây dựng trình diễn 6 lồng tròn trong 3 năm (từ năm 2020 đến 2022). Theo ông Phương Minh Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay, dự án đã triển khai được 3 lồng tròn, dự kiến tháng 4-2022 sẽ hoàn tất triển khai 6 lồng tròn cho ngư dân nuôi trồng thủy sản tại huyện Vạn Ninh. Tại những lồng tròn đã triển khai, người nuôi trồng thủy sản và chủ nhiệm mô hình đều đánh giá cá giò (cá bớp) thả nuôi cho tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với lồng gỗ truyền thống, tỷ lệ cá sống đạt tới 98%; trọng lượng bình quân sau 9 tháng nuôi đạt kích cỡ thu hoạch (5kg/con). Đặc biệt, những lồng tròn bằng vật liệu HDPE có khả năng chống chịu được với bão cấp 12.
Ngoài ra, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc phù hợp với điều kiện ở Khánh Hòa. Mô hình tạo môi trường ao nuôi ổn định trong suốt quá trình nuôi thông qua việc bón sản phẩm men vi sinh, mật rỉ đường, khoáng chất nhằm nâng cao tính ổn định, năng suất hơn 20 tấn/ha, an toàn dịch bệnh.
Theo Kế hoạch khuyến nông tỉnh giai đoạn 2022-2026 UBND tỉnh vừa phê duyệt, nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến nông trong những năm tới là trình diễn và chuyển giao những ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho người dân trên tinh thần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. “Với quan điểm các nội dung nhiệm vụ phải thiết thực, phù hợp, dễ triển khai, dễ nhân rộng trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc trưng…, công tác khuyến nông thời gian tới tiếp tục đi sâu vào việc nâng tầm sản xuất thông qua các mô hình an toàn, bền vững, giá trị cao” - ông Huỳnh Kim Khánh cho biết.
HỒNG ĐĂNG