Chiều 15-12, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tham dự cuộc họp có ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh; lãnh đạo các ban Đảng, sở, ngành, địa phương.
Giảm thứ hạng do nhiều nguyên nhân
Năm 2020, trong khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Khánh Hòa là điểm sáng thì Chỉ số PAPI của tỉnh lại hoàn toàn trái ngược khi giảm tới 13 bậc so với năm 2019, rơi vào nhóm có điểm số thấp của cả nước. Vì thế, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở làm sao để vừa nâng cao Chỉ số PCI vừa cải thiện Chỉ số PAPI, vì đây là 2 chỉ số phản ánh hiệu quả của cải cách hành chính công. Việc cải thiện cả 2 chỉ số sẽ tạo ra môi trường thu hút đầu tư tốt, giúp các doanh nghiệp và người dân đặt niềm tin vào bộ máy công quyền.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, sự giảm điểm Chỉ số PAPI do một số nguyên nhân chủ quan như: Việc nắm bắt, quan tâm đến Chỉ số PAPI trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế; một số địa phương chưa chủ động đối thoại, thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính còn diễn ra ở một số nơi...
Hiện nay, vẫn còn nhiều bất cập trong cách điều tra để đánh giá chỉ số này. Bộ câu hỏi để điều tra, khảo sát đối với người dân còn dài, nội dung phỏng vấn rộng và khó, đối tượng phỏng vấn nhiều thành phần. Trong khi đó, mức độ hiểu biết của người dân còn hạn chế đối với một số nội dung về quản trị điện tử, nhất là tại các địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa... đã ảnh hưởng đến kết quả đánh giá Chỉ số PAPI của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, phiếu điều tra của PAPI dài 35 trang với rất nhiều câu hỏi, phạm vi hỏi rất rộng nên không phải người dân nào cũng có thể hiểu và trả lời hết được các câu hỏi một cách chính xác. Mặc dù Chỉ số PAPI và PCI đều có điểm chung là cải cách hành chính, nhưng PAPI tăng giảm không theo quy luật và không đồng nhất với PCI.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền
Theo các thành viên dự họp, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu về Chỉ số PAPI; từ đó tạo sự thay đổi nhận thức về hành chính công, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương sớm triển khai đánh giá một cách có hệ thống những vấn đề liên quan đến Chỉ số PAPI. Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đề xuất: “Muốn người dân hiểu rõ về chỉ số này, trước hết, bản thân cán bộ phải nắm rõ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cán bộ còn chưa nắm chắc các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng của PAPI. Thời gian tới, cần quan tâm hơn đến chỉ số này”. Lãnh đạo các địa phương khác như: Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Lâm cũng đề nghị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải nắm được hệ thống câu hỏi và tuyên truyền những việc chính quyền đã làm được để người dân hiểu. Sở Nội vụ cần có kế hoạch cụ thể cho các địa phương triển khai thông qua nhiều hình thức tuyên truyền để người dân hiểu chính xác hệ thống tiêu chí đánh giá; hiểu rõ những việc mà chính quyền đã làm để các phiếu điều tra của PAPI sẽ được trả lời chính xác hơn.
Bà Lưu Hồng Vân - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị, các sở, ngành và địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân bằng phương pháp mà hệ thống chính trị đã làm trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Thời gian tới, tỉnh có thể nghiên cứu giao Sở Nội vụ chủ trì thực hiện đánh giá Chỉ số PAPI của riêng Khánh Hòa, đồng thời thông qua đó tuyên truyền rộng rãi về chỉ số này.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Hữu Hoàng giao Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị thực hiện khảo sát Chỉ số PAPI trên toàn tỉnh; tham mưu cho tỉnh các giải pháp đồng bộ trước ngày 30-12. Sở chịu trách nhiệm đánh giá định kỳ và tổ chức tuyên truyền bộ câu hỏi của PAPI đối với người dân; tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới, tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng công chức, viên chức; thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiệu quả… Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại. UBND các xã, phường, thị trấn giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao trách nhiệm trong công việc. Ông Lê Hữu Hoàng cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành trong thực hiện cải cách hành chính công nhằm phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.
ĐÌNH LÂM