Trong phiên giao dịch đầu năm mới, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC trong nước sáng 2/1 tăng mạnh.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức ở mức 83,3 - 84,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày 31/12/2024.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 83,3 - 84,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày 31/12.
Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC công bố giá vàng nhẫn ở mức 83,3 - 84,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu giá vàng nhẫn ở mức 83,7 - 84,8 (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trên thị trường thế giới, giá vàng chiều 31/12, ngày giao dịch cuối cùng của một năm lập kỷ lục, đưa kim loại quý này tới mức tăng hàng năm tốt nhất kể từ năm 2010.
Giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.603,69 USD/ounce vào lúc 13 giờ 08 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,1% xuống 2.615,50 USD/ounce.
Thị trường đang chờ đợi một loạt các thông tin mới bao gồm chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và dữ liệu kinh tế Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới có thể ảnh hưởng đến triển vọng lãi suất của Fed trong năm 2025.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer tại KCM Trade cho biết, giá vàng tăng mạnh trong năm 2024 chủ yếu do kỳ vọng lãi suất giảm. Đối với năm 2025, triển vọng lãi suất của Mỹ sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy giá vàng. Các chính sách thương mại của ông Trump và quỹ đạo lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bức tranh lạm phát.
"Vàng có khả năng vẫn tiếp tục được hỗ trợ vào năm 2025 do rủi ro địa chính trị gia tăng, căng thẳng thương mại và nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương bù đắp cho những cản trở từ đồng USD mạnh và tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ chậm của Fed", Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô Aneeka Gupta tại WisdomTree cho biết.
Theo TTXVN