Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải có những startup (chủ thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Điều này cần sự hỗ trợ về nhiều mặt để tạo bước khởi sắc trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phong trào khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Khắc Duy - Trưởng Ban phong trào, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên (Tỉnh đoàn), từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, sinh viên. Nhiều mô hình đã tạo tiếng vang cho phong trào thanh niên tự thân lập nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống. Nhiều mô hình mới xuất hiện vừa thể hiện vai trò tiên phong của thanh niên trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, vừa tạo ra sức sống, sức sáng tạo mới trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh cũ. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới áp dụng công nghệ tưới Israel của anh Nguyễn Hoàng Hiệp (Cam Nghĩa, Cam Ranh) vào năm 2021; anh Đặng Thế Truyền (Cam Hải Tây, Cam Lâm) tìm cách đưa hình ảnh xoài sấy lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn vào năm 2022… Ngoài ra, có rất nhiều mô hình mới nhanh chóng phát huy hiệu quả đồng vốn, như: sản xuất chế biến gạo chất lượng cao của anh Nguyễn Xuân Trường (Diên Tân, Diên Khánh) vào năm 2019; snack nấm bào ngư của anh Nguyễn Hữu Lộc (Ninh Diêm, Ninh Hòa) vào năm 2022…
Đồng hành cùng với thanh niên khởi nghiệp là các cơ quan, đơn vị, nhà trường theo sau ủng hộ, dẫn dắt, hỗ trợ, tạo tiền đề khởi nghiệp với các dự án tiềm năng. Có thể kể ra hàng loạt cuộc thi, liveshow, truyền thông, đề án, dự án khởi nghiệp do Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức như: Cuộc thi “Sáng tạo trẻ và ý tưởng khởi nghiệp”; Chương trình truyền hình thực tế “Cuộc đua khởi nghiệp” tỉnh; Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; thành lập quán Cà phê khởi nghiệp, Câu lạc bộ khởi nghiệp, Phiên chợ khởi nghiệp...; phối hợp với VCCI xây dựng Vườn ươm khởi nghiệp và các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ…
Theo lãnh đạo Tỉnh đoàn, trong số những mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, sinh viên Khánh Hòa, có một số mô hình được xem là startup. Các mô hình về sản xuất dưa lưới hay rong nho theo phương pháp mới bước đầu có thể gọi là startup. Tuy nhiên, các mô hình này rất ít.
Cần sự hỗ trợ
Ông Bùi Hoài Nam - Bí thư Tỉnh đoàn nhìn nhận, bên cạnh những thành công, phong trào khởi nghiệp vẫn còn những khó khăn. Số lượng startup còn ít, khó đáp ứng tình hình phát triển của yêu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tình hình mới.
Hiện nay, vấn đề cơ chế phát triển cho khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đơn cử như vấn đề vốn. Các kênh vốn hỗ trợ hiện nay cho khởi nghiệp hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là Ngân hàng Chính sách xã hội hay các doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần (các cá nhân, doanh nhân giàu có, ưu tú có khả năng cấp vốn), Quỹ Đầu tư mạo hiểm... Tuy nhiên, các kênh vốn này cũng không dễ tiếp cận. Dự án khởi nghiệp về mạng giám sát môi trường nông ngư nghiệp Aevisor của Đỗ Trần Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Farmtech Vietnam đã thuyết phục góp vốn của nhà đầu tư lên tới 4 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn giậm chân vì chưa đáp ứng cơ chế tiếp cận nguồn vốn.
Theo ông Nam, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đồng hành với phong trào thanh niên khởi nghiệp, phối hợp với các ban, ngành của tỉnh, Trung ương đề xuất một số nội dung liên quan về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các ý tưởng cần bám sát các chủ trương lớn của tỉnh, từ đó thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi theo định hướng đúng. Về nguồn vốn, cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Có như vậy, công tác này mới tạo bước khởi sắc.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khởi nghiệp dựa trên sự đam mê, trải nghiệm cũng như công nghệ một cách mạnh mẽ, từ đó tạo ra các mô hình, sản phẩm sáng tạo, tạo ra các đột phá trong tăng trưởng, vượt trội trong cạnh tranh, giải quyết nhu cầu thị trường. |
V.L