Sáng 11-1, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) chủ trì buổi làm việc đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ông đã có những chỉ đạo cụ thể để tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Số vụ vi phạm tăng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, năm 2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai công tác nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát thị trường, các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện ra vào các cảng biển và trên biển, khu vực biên giới. Trong năm, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 2.086 vụ vi phạm, tăng 209 vụ so với năm trước. Trong đó, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu 420 vụ, tăng 31 vụ; gian lận thương mại, gian lận thuế 1.617 vụ, tăng 147 vụ; hàng giả và các vi phạm khác 49 vụ, tăng 31 vụ. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước số tiền gần 190 tỷ đồng, tăng 32,65% so với năm trước.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã nêu một số khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng, như: Hoạt động TMĐT ngày càng phổ biến rộng rãi, các đối tượng đã lợi dụng việc lập các website, trang cá nhân trên mạng xã hội, phát hình trực tiếp (livestream) để quảng cáo bán hàng, lợi dụng các hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, shipper… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, các trang thông tin điện tử kinh doanh, giới thiệu sản phẩm vi phạm thường có tên miền quốc tế, không xác định được chủ thể đăng ký tên miền gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát…
Ngoài ra, việc áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020; Nghị định số 118 ngày 23-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Quy định về tình tiết giảm nhẹ còn chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; biểu mẫu biên bản vi phạm hành chính là biểu mẫu in sẵn nhưng không có mục tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nên trước khi người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt phải xác minh tình tiết vụ việc, làm kéo dài thời gian xử lý. Mặt khác, quy định về thời hạn xử lý một vụ việc vi phạm hành chính thuộc trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện trong thời hạn 1 năm quá dài, khiến tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, chưa kể kho bãi của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế…
Xây dựng chuyên đề kiểm soát hoạt động thương mại điện tử
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ diễn biến phức tạp, các loại tội phạm lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu và vận chuyển nội địa tại các cảng biển để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng thiết yếu; cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, TMĐT ngày càng phổ biến, các đối tượng sẽ lợi dụng lập các website và mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…
Từ thực tế đó, ông Lê Hữu Hoàng chỉ đạo các lực lượng nòng cốt tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ về công tác kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường công tác dự báo, nắm diễn biến thị trường; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn; tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết, cơ sở kinh doanh cố định có dấu hiệu chứa chấp hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả... Ông Lê Hữu Hoàng chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng ngay một chuyên đề riêng kiểm soát đối với hoạt động TMĐT. Từ đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm... Cùng với đó, kiểm tra, xử lý những trường hợp thiết lập website TMĐT không thực hiện thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc lợi dụng TMĐT để lừa dối khách hàng… Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp, đảm bảo cho tổ chức, cá nhân tự giác thực hiện kê khai nộp thuế, đảm bảo việc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Đối với các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị các đơn vị liên quan làm báo cáo cụ thể gửi Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh để tổng hợp gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cảng biển, cảng hàng không và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh ngăn chặn hàng cấm, hàng gian lận xuất xứ, tình trạng chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ; xây dựng và triển khai các chương trình, giải pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo lĩnh vực, theo chuyên ngành… Đồng thời, nâng cao công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… |
CẨM VÂN