Vì nhiều lý do, hệ thống kênh phía sau hồ chứa nước Tà Rục (huyện Cam Lâm) chưa phát huy được công năng. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo chủ đầu tư và chính quyền địa phương tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh thi công hoàn thiện hệ thống kênh để sớm cấp nước cho khu vực hạ du của hồ này.
Thi công kéo dài, một số đoạn kênh bị lấn chiếm
Hồ chứa nước Tà Rục được đầu tư hoàn thành, bàn giao vào năm 2017, có sức chứa gần 24 triệu khối nước, là 1 trong 3 hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư các hệ thống kênh của hồ chứa nước này chưa hoàn thiện nên chưa phát huy tối đa công năng của hồ.
Theo chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7, dự án gồm 2 hạng mục chính gồm: Cụm công trình đầu mối (hồ chứa nước) đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2017; hệ thống kênh chính và kênh nhánh. Cụ thể, kênh chính nam dài 3,8km đã bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2018, phục vụ tưới cho 338ha đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống kênh chính bắc và các kênh nhánh có tổng chiều dài gần 24km, phục vụ tưới cho 1.345ha đất sản xuất nông nghiệp, đến nay đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp. Tháng 5-2021, chủ đầu tư đã tạm bàn giao cho Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa để phục vụ sản xuất. Riêng kênh trạm bơm dài 4,6km, phục vụ tưới cho 320ha, hiện nay còn vướng mắc việc thi công trụ điện để kéo điện về phục vụ trạm bơm cho kênh tưới này; 1 hộ dân chưa đồng tình với vị trí trồng trụ điện.
Theo ông Ao Văn Thơm - Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7, hệ thống kênh chính bắc được thi công qua nhiều giai đoạn, kéo dài nhiều năm, một số đoạn kênh hoàn thành từ năm 2016, 2017 (hoàn thành 10,7km trên tổng số 23,9km). Sau đó, dự án kênh phải tạm dừng thi công do chưa được bố trí vốn. Năm 2020, dự án được bố trí vốn thi công trở lại, đến tháng 3-2021 đã cơ bản hoàn thành kênh và công trình trên kênh. Do thời gian thi công kéo dài nên trong phạm vi hành lang kênh và công trình trên kênh của các tuyến kênh chính bắc, kênh B26, B12, kênh Trạm Bơm có nhiều vị trí bị tổ chức, cá nhân lấn chiếm làm cổng ngõ, trồng cây hàng năm và lâu năm tại một số đoạn kênh qua các xã: Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Phước Tây, Cam Thành Bắc (Cam Lâm). Tổng chiều dài kênh bị lấn chiếm xây cổng, tường rào 3.878m; lấn chiếm trồng cây 2.600m.
Chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc
Ngày 18-2, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nhằm tháo gỡ một số vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống kênh chính bắc hồ chứa nước Tà Rục. Tại cuộc họp, bà Lê Phạm Thùy Ngân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, năm 2016, huyện đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thi công kênh với chiều dài hơn 7,1km; từ năm 2018 đến tháng 9-2020, huyện tiếp tục giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư toàn bộ tuyến thi công kênh với chiều dài 23,9km. Tuy nhiên, do quá trình thi công kéo dài, chủ đầu tư không làm tốt việc bảo vệ hành lang kênh trong quá trình thi công nên một số hộ dân đã lấn chiếm, tận dụng đất 2 bên kênh để trồng rau màu, cây lâu năm. Về vị trí đấu nối điện vận hành kênh Trạm Bơm, UBND huyện Cam Lâm đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, xã Cam An Nam phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 giải quyết; một mặt vận động, thuyết phục hộ dân đồng tình, mặt khác xây dựng phương án bảo vệ thi công, dự kiến thực hiện thi công vào ngày 23-2.
Ông Đinh Văn Thiệu đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 phối hợp với địa phương tiến hành xác định lại mốc hành lang an toàn công trình kênh. Sau khi xác định rõ ràng, cụ thể, UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo các xã có tuyến kênh đi qua tiến hành làm việc, vận động các hộ di chuyển cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi hành lang kênh, hoàn thành trước ngày 15-4.
Ngoài ra, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phía sau hệ thống kênh chính, kênh nhánh do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 làm chủ đầu tư còn có hệ thống kênh chân rết đã được xây dựng cách đây 3-4 năm. Tuy nhiên, do nhiều năm chưa có nước dẫn về nên một số đoạn kênh đã bị bồi lấp, xuống cấp. Về vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa - đơn vị được giao quản lý, khai thác hệ thống kênh chân rết cho biết, công ty đã lên phương án sửa chữa, khắc phục hệ thống kênh tưới này nhằm hoàn thiện hệ thống kênh, đảm bảo khai thác tối đa công năng của hồ chứa nước Tà Rục trong thời gian sớm nhất.
Hồ chứa nước Tà Rục đảm nhận vai trò tưới cho 1.683ha đất canh tác nông nghiệp; tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người trong vùng sản xuất nông nghiệp của dự án; tạo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cho TP. Cam Ranh 10.000m3/ngày đêm; kết hợp giao thông nông thôn, du lịch, cải tạo môi trường sinh thái và nuôi trồng thủy sản. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương hơn 376 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn hỗ trợ thực hiện một số dự án cấp bách phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đầu tư. |
HỒNG ĐĂNG