Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Thúc đẩy tiến độ các dự án điện

Thứ hai - 18/10/2021 13:51
Để đảm bảo giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Qua đó, có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án điện. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Thúc đẩy tiến độ các dự án điện

Để đảm bảo giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Qua đó, có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án điện.


Chỉ còn khoảng 15 tháng để hoàn thành


Theo báo cáo của EVN, các dự án điện giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) đang chậm tiến độ khoảng 3 tháng. Trong đó, dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân: Về phần móng, toàn tuyến mới bàn giao được 110/304 vị trí (đạt 32,5%), tỉnh Khánh Hòa bàn giao 73/172 vị trí (đạt 40,6%), tỉnh Ninh Thuận bàn giao 37/132 vị trí (đạt 21,9%); về phần hành lang tuyến, cả 2 địa phương chưa bàn giao được khoảng cột nào. Đối với dự án đường dây 220kV đấu nối chỉ mới bàn giao được 14/62 vị trí. Riêng dự án trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối, toàn bộ mặt bằng dự án đã được bàn giao và đang thi công.

 

Đồng chí  Lê Hữu Hoàng phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến ở điểm cầu Khánh Hòa.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến ở điểm cầu Khánh Hòa.


Về công tác chuyển đổi đất rừng, đối với rừng tự nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận đều đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân. Bộ NN-PTNT đang rà soát hồ sơ để lấy ý kiến các bộ liên quan. Đối với rừng trồng, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thẩm tra và sẽ trình HĐND tỉnh ra nghị quyết trong kỳ họp thứ 3 (diễn ra ngày 19-10).


Theo hợp đồng đã ký với đối tác Nhật Bản, chậm nhất trước tháng 12-2022, tất cả các dự án điện để giải tỏa công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 phải hoàn thành. Do đó, phía Việt Nam chỉ còn khoảng 15 tháng để thi công các công trình này.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đề nghị các địa phương phối hợp, tạo điều kiện để chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn, quản lý dự án… tiếp cận hiện trường thi công (kể cả nhân lực và phương tiện) nhằm đảm bảo tiến độ cho dự án. Tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận và EVN cần phối hợp chặt chẽ, bám sát các cấp, bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng.


Quyết liệt vào cuộc


Bộ Công Thương đánh giá, thời gian qua, tuy EVN, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương triển khai các hạng mục công việc, nhưng hiện nay, cụm dự án lưới điện giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. “Đây là dự án cực kỳ trọng điểm, không được phép trượt tiến độ. Do vậy, thời gian tới, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo tiến độ đã cam kết”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

 

Dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối đang được thi công.

Dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối đang được thi công.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho hay, tuy diện tích rừng liên quan đến cụm dự án giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 không nhiều nhưng do trải dài trên 6 huyện của 2 tỉnh, liên quan đến nhiều hộ dân nên khó khăn trong công tác kiểm đếm… Bộ NN-PTNT sẽ sớm thẩm định báo cáo của các địa phương, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.


Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận khẳng định, cả 2 địa phương đều rất nỗ lực, trách nhiệm với quyết tâm cao nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. UBND các tỉnh đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng địa phương, từng sở, ban, ngành với các mốc tiến độ cụ thể.


Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành công tác thẩm định và phê duyệt hồ sơ trích đo dải thửa đất vị trí móng trụ đi qua các xã, phường (Ninh Đông, Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Diêm, Ninh Thủy và Ninh Phước) của thị xã Ninh Hòa trước ngày 20-10. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT theo dõi, tham mưu thủ tục chuyển đổi đất rừng trồng ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. UBND thị xã Ninh Hòa tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm kê các vị trí móng hành lang tuyến còn lại, hoàn thành trong tháng 10-2021; xây dựng hồ sơ giá đất cụ thể để trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt; sớm hoàn thành và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để chi trả tiền cho các hộ dân; tiếp tục vận động các hộ bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến. Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, khẩn trương thực hiện hoàn thành những nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại các thông báo trước. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm xem xét, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất rừng tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương hoàn thành thủ tục về đất đai phục vụ triển khai dự án.

 

Mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và một số đơn vị liên quan đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nhằm đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Trong văn bản nêu, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại Khu Kinh tế Vân Phong là dự án đã được ký kết BOT dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ 2 nước vào tháng 10-2018. Theo hợp đồng đã ký, tiến độ hoàn thành các dự án điện nhằm giải phóng công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 phải hoàn thành trước tháng 12-2022. Nếu chậm tiến độ, mỗi ngày, phía Việt Nam phải bồi thường số tiền 23 tỷ đồng. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.


Đình Lâm



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp