Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư... Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Theo báo cáo của Cục Thống kê, quý II/2022, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 11,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước đạt hơn 3.865 tỷ đồng, tăng 5,79%; khu vực vốn ngoài Nhà nước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 11,22% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 28,50%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh hơn 26.293 tỷ đồng, tăng 11,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng cao nhất với 83,28%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản chiếm 10,92%; vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định chiếm 2,69%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động chiếm 2,12% và vốn đầu tư khác chiếm 0,99%.
Mặc dù tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh tăng, song theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, riêng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi. Đến hết tháng 6, kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao mới giải ngân được 29,1%; kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao mới giải ngân được 29,5%.
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp bởi một số dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm phải ngừng triển khai thi công để rà soát lại quy hoạch, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn trong năm 2022 bị vướng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư chậm; công tác kiểm đếm, thẩm định, phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án nói chung còn chậm, kéo dài thời gian ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Một số chủ đầu tư tập trung giải ngân nguồn vốn từ năm 2021 sang 2022 nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 cũng bị ảnh hưởng.
Triển khai nhiều phần việc quan trọng
Trong kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 7, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Đối với lĩnh vực đầu tư phát triển, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các đề án phát triển kinh tế để kịp thời trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khẩn trương chỉ đạo, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết số 55 của Quốc hội. Đồng thời, xây dựng danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định nhu cầu đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách để ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư và thu hút đầu tư hiệu quả.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư và các địa phương có trách nhiệm đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung xử lý và hoàn thành công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư và thủ tục đầu tư của các dự án, phấn đấu đến hết ngày 30-9 tiến độ giải ngân đầu tư công đạt 60% và đến hết năm 2022 đạt 100% kế hoạch.
Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ tổ chức rà soát, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 để trình HĐND tỉnh thông qua trong quý IV/2022; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch của tỉnh, quy hoạch đô thị mới, quy hoạch phân khu; rà soát, tổ chức điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) và chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh để làm tiền đề cho việc thu hút đầu tư có hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án công trình giao thông quan trọng đang được triển khai thi công hoặc chuẩn bị đầu tư như: Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vân Phong - Nha Trang; cầu Xóm Bóng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột... Khi các dự án này hoàn thành sẽ phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách, tỉnh cũng có một số dự án lớn đã và đang thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Khu Công nghiệp Ninh Thủy, Cụm Công nghiệp Diên Phú - VCN...