Tỉnh đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào DTTS trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân...
Giai đoạn I của chương trình (từ năm 2021 đến 2025), tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (hơn 28 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 4-5%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% số trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 35% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn… Bên cạnh đó, có 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù miền núi; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS bảo đảm phù hợp với tỷ lệ dân số ở từng địa phương…
Dự kiến tổng nhu cầu vốn để thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 hơn 1.166 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 698,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 200,3 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách gần 241,4 tỷ đồng và vốn khác hơn 25,7 tỷ đồng. |
Các giải pháp trọng tâm được chương trình đề ra là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, không dàn trải, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ đầu tư có điều kiện, kết hợp với vay ưu đãi; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các xã, thôn đăng ký thoát khỏi thôn, xã đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có nhiều hộ đồng bào DTTS tham gia; phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, trọng tâm là 9 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...
Những năm qua, các chính sách về dân tộc và miền núi đã giúp huyện Khánh Sơn ngày càng phát triển, tạo sự thay đổi lớn trên các mặt KT-XH, phát huy được vai trò của đồng bào DTTS. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 8,89%/năm, thu nhập bình quân của người DTTS 12 triệu đồng/người/năm… Theo bà Trần Thị Hà – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện nay, vấn đề quan tâm lớn nhất của người dân địa phương là các dự án thành phần về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đây là những dự án có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người DTTS nghèo, vùng sâu, vùng xa...
Mã Phương