Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo Báo chí truyền thông với sự phát triển kinh tế biển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) cho rằng:
Tỉnh Khánh Hòa có lợi thế vượt trội về biển đảo, có vị thế chiến lược với tầm quan trọng đặc biệt của huyện đảo Trường Sa, Quân cảng Cam Ranh, cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế Vân Phong, các giá trị toàn cầu của vịnh đẹp Nha Trang… Đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Tỉnh Khánh Hòa còn có vị trí kinh tế, văn hóa đặc thù, cùng với lợi thế phát triển bền vững một số ngành then chốt của kinh tế biển như: Du lịch, hàng hải - cảng biển, thủy sản, đô thị biển, năng lượng biển tái tạo, dược liệu biển, khoa học - công nghệ biển... Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả nên chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển.
Để phát triển bền vững kinh tế biển, địa phương cần nắm rõ các bài học cơ bản của quốc tế và chủ trương của Trung ương được thể hiện qua các nghị quyết hoạch định chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, cần chú trọng triển khai các giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển. Cụ thể, tỉnh cần triển khai một số nhóm giải pháp xanh nhằm bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển theo cách tiếp cận không gian; phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái biển - ven biển đã bị suy thoái; bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo gắn với du lịch sinh thái và sinh kế bền vững; nâng cao nhận thức về tài nguyên, môi trường và chủ quyền biển, đảo…
Song song với đó, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp về xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển đạt trình độ khu vực, quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực biển có chất lượng cao, có kỹ năng nghề biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học - công nghệ sạch, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển dần từ kinh tế “tuyến tính”, nhiều chất thải, phế thải, hủy hoại tự nhiên sang kinh tế “tuần hoàn” với các chất thải, phế thải được tái sử dụng và trả lại thiên nhiên. Bên cạnh đó, rà soát, bố trí lại không gian phát triển và bảo tồn để bảo đảm tính liên kết, giảm thiểu xung đột lợi ích trong phát triển kinh tế biển ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển; lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các dự án phát triển ở vùng ven biển, biển, đảo; phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển, đảo; ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng như: rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển. Ngoài ra, gắn phát triển kinh tế biển xanh với xóa đói, giảm nghèo bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, trên các đảo; giải quyết đồng bộ 3 vấn đề ngư dân - ngư nghiệp - ngư trường; phát huy các giá trị văn hóa biển trong xây dựng và phát triển kinh tế biển xanh.
Giang Đình (lược ghi)