Quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh Khánh Hòa đã hết hiệu lực từ năm 2018 khiến công tác quản lý nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Vạn Ninh gặp nhiều khó khăn. Chính quyền và người dân địa phương mong tỉnh sớm có quy hoạch tạm thời khu vực biển được phép NTTS.
Khó quản lý
Gia đình ông Dương Văn Lâm (thị trấn Vạn Giã) có hơn 100 lồng nuôi tôm hùm. Mấy năm qua, gia đình ông bám trụ nuôi tôm ở khu vực biển phía trước thị trấn Vạn Giã, cách bờ hơn 500m. Do khu vực này nằm ngoài quy hoạch NTTS (quy hoạch cũ) nên chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu gia đình ông di chuyển lồng bè đi nơi khác để tạo thông thoáng luồng lạch ra vào của tàu thuyền. Thế nhưng, khi ông tìm nơi để di chuyển lồng bè thì không có khu vực nào phù hợp. Địa phương cũng không thể chỉ nơi nuôi trồng hợp lý cho dân di chuyển vì quy hoạch khu vực được phép nuôi đã hết hiệu lực.
Ông Lâm chia sẻ: “Gia đình tôi đã 2 đời gắn bó với nghề nuôi biển. Hiện nay, nghề này phát triển mạnh khiến vùng nuôi trở nên chật chội. Để quản lý, địa phương đã lập quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển nuôi trồng bền vững. Thế nhưng, hiện nay quy hoạch vẫn chưa đồng bộ, nơi có, nơi không. Do vậy, các cấp, ngành cần có quy hoạch rõ ràng và công khai, phân chia, sắp xếp để người dân nuôi trồng được thuận lợi”.
Theo báo cáo của UBND huyện, trước đây, tỉnh đã ban hành quyết định về quy hoạch phát triển ngành thủy sản. Dựa trên quy định này, địa phương đã hướng dẫn và vận động người dân đưa lồng bè vào vùng quy hoạch NTTS để bảo đảm quyền lợi, an ninh trật tự và thực hiện các chính sách khác. Ông Đàm Ngọc Quang - Chủ tịch UBND huyện cho biết, để thực hiện việc giao, cho thuê mặt nước NTTS, chặt chẽ trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, xác minh kê khai thủy sản, thực hiện các chính sách hỗ trợ… tất cả đều dựa trên quy hoạch. Thế nhưng, hiện nay quy hoạch đã hết hiệu lực, quy hoạch chung của tỉnh chưa có, quy hoạch tạm thời cũng chưa lập khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý NTTS. Đặc biệt, địa phương đang lo ngại mùa mưa bão sắp đến, nếu không có quy hoạch thì rất khó thực hiện các chính sách hỗ trợ khi thiên tai xảy ra. Cùng với đó, địa phương đang quyết tâm di dời các lồng bè ở trước biển thị trấn Vạn Giã. Thế nhưng, do không có quy hoạch khiến chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc di dời…
Chờ tỉnh phê duyệt
Hiện nay, hoạt động NTTS trên biển ở huyện phát triển khá mạnh. Năm 2017, toàn huyện có 12.100 lồng NTTS trên biển, đến nay đã tăng lên gần 40.000 lồng với hơn 1.330 hộ nuôi. Trong đó, phần lớn là nuôi tôm hùm với hơn 32.600 lồng, còn lại là các lồng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá mú, cá bớp, cá chim. |
Theo Luật Quy hoạch, việc quy hoạch NTTS ở mỗi tỉnh phải được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Do vậy, quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 ban hành vào tháng 6-2018 phải bãi bỏ. Trong khi đó, quy hoạch chung của tỉnh vẫn đang trong quá trình lập, chưa được phê duyệt nên các quy hoạch khác, trong đó có quy hoạch NTTS phải chờ. Từ đó khiến công tác quản lý NTTS ở các huyện, thị xã, thành phố gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, không riêng huyện Vạn Ninh mà tất cả những địa phương có nghề nuôi biển đều đang gặp khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý NTTS. Do đó, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh văn bản hủy bỏ Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Đồng thời, chi cục đã tham mưu UBND tỉnh về quy hoạch tạm thời vùng NTTS. Đơn vị đang lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong thời gian tới. Trong quy hoạch tạm thời lần này, đơn vị đã thực hiện khảo sát kỹ lưỡng để có những điều chỉnh, bổ sung những khu vực thuận lợi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân phát triển nghề nuôi biển. Theo đó, huyện có 8 vị trí với 795ha, thị xã Ninh Hòa có 6 vị trí với 126ha, TP. Cam Ranh có 3 vị trí với 380ha, TP. Nha Trang có 3 vị trí với 70ha.
VĂN GIANG