Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Vụ lúa đông xuân: Năng suất thấp, giá bán giảm

Thứ tư - 13/04/2022 19:48
Không khí thu hoạch lúa vụ đông xuân năm nay khá trầm lắng trên các cánh đồng bởi năng suất và giá bán lúa đều giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Vụ lúa đông xuân: Năng suất thấp, giá bán giảm

Không khí thu hoạch lúa vụ đông xuân năm nay khá trầm lắng trên các cánh đồng bởi năng suất và giá bán lúa đều giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao.


Toàn tỉnh gieo sạ hơn 20.000ha


Đang theo dõi thu hoạch lúa trên cánh đồng Vạn Long (huyện Vạn Ninh), bà Trần Thị Hương cho biết: “Năm nay, nhờ gieo ở trà đầu nên với 6 sào lúa (mỗi sào 500m2), nhà tôi thu hơn 2 tấn. Tuy thấp hơn năm trước nhưng cũng đã đạt khá so với nhiều hộ khác”.

 

Nông dân huyện Diên Khánh thu hoạch lúa

Nông dân huyện Diên Khánh thu hoạch lúa


Rảo quanh những cánh đồng lúa đang kỳ thu hoạch rộ ở các xã trọng điểm về cây lúa của Vạn Ninh như: Vạn Phước, Vạn Phú, Vạn Lương…, không khí ngày mùa dường như trầm lắng hơn mọi khi. Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện gieo sạ hơn 3.840ha. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được khoảng 2/3 diện tích, năng suất ước đạt 70 tạ/ha, thấp hơn vụ đông xuân năm trước (80 tạ/ha). Không chỉ năng suất giảm, giá bán lúa cũng giảm mạnh, phổ biến chỉ khoảng 6.200 đồng/kg, giảm từ 800 đến 1.000 đồng/kg so với vụ trước.


Tại thị xã Ninh Hòa, không chỉ năng suất và giá lúa giảm mà một số diện tích còn bị mưa ngập, chi phí thu hoạch tăng lên. Theo ông Lê Minh Tâm - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, toàn thị xã có gần 9.200ha lúa đông xuân. Đến nay, địa phương đã thu hoạch được hơn 6.000ha, năng suất bình quân chỉ đạt 60 tạ/ha, giảm 8 tạ/ha so với năm trước. Giá lúa ở mức từ 5.400 đến 6.200 đồng/kg. “Năm nay, giá lúa đã giảm khoảng 500 đồng/kg so với vụ trước, đã vậy còn khó bán do lúa không được đẹp” - ông Lương Công Vân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 1 Ninh Quang chia sẻ.


Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 20.000ha lúa đông xuân. Cơ cấu giống chủ lực là ML48, ML202, ML214, OM4900 và một số diện tích Đài Thơm 8. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được hơn 60% diện tích; năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 65 tạ/ha, giảm khoảng 10% so với vụ đông xuân trước.


Năng suất giảm do nhiều nguyên nhân


Theo bà Trần Thị Kim Loan - kế toán của HTX Nông nghiệp Diên Phước (huyện Diên Khánh), năm nay, HTX gieo sạ 100ha lúa đông xuân. Đến nay, đơn vị đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích. Trong khi các lứa trà đầu và trà giữa cho năng suất ổn định ở mức 70 tạ/ha thì khoảng 30ha trà cuối bị nhiễm sâu bệnh nặng, thiệt hại tới 60-70%. Thời điểm thu hoạch trà cuối còn gặp trúng đợt mưa khiến cho chi phí, công sức thu hoạch, phơi lúa tăng lên so với bình thường.

 

Phơi lúa trên cánh đồng xã Diên Điền, huyện  Diên Khánh.  Ảnh:  Huy Khang

Phơi lúa trên cánh đồng xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Ảnh: Huy Khang


Lý giải cho việc lúa không đạt năng suất, giá bán giảm, ông Lương Công Vân cho biết, năm nay, do bệnh đạo ôn, rầy nâu tấn công mạnh nên nhiều diện tích lúa bị lép hạt. Vì thế, hạt lúa xay ra gạo không đạt như mong đợi. Thông thường, 10kg lúa xay ra được khoảng 7kg gạo thì nay một số giống lúa xay ra chỉ được 5,5kg gạo nên giá thu mua lúa giảm xuống. Ngoài ra, giá phân bón năm nay tăng quá cao, nông dân không đủ sức đầu tư, khiến cho năng suất, chất lượng lúa bị giảm. Chẳng hạn như phân ure năm ngoái 380.000 đồng/bao 50kg, còn hiện nay là 1.070.000 đồng.


Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay diễn ra trong điều kiện khá đặc biệt. Quá trình sinh trưởng của cây lúa gặp nhiều đợt mưa hơn so với cùng thời điểm những năm trước, đây lại là điều kiện thời tiết lý tưởng cho sâu bệnh phát triển, nhất là sâu đục thân, đạo ôn, rầy nâu…. Cùng với đó, quá trình chăm sóc, phân bón lại không được nông dân đầu tư như các năm do giá phân bón tăng cao, vì vậy cây lúa dễ bị nhiễm bệnh làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng, nhất là đối với khoảng 5.000ha lúa trà cuối, gây ra mức độ thiệt hại nặng nề. Tuy cơ quan chuyên môn và các địa phương đã liên tục thông báo, khuyến cáo đến người trồng lúa về nguy cơ sâu hại phát sinh và lan rộng, bản thân người trồng lúa cũng đã nắm rõ tình hình sâu bệnh, thế nhưng trong điều kiện giá lúa thấp, chi phí vật tư phục vụ sản xuất tăng cao nên mức độ đầu tư, chăm sóc hạn chế, lại gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi… dẫn đến năng suất, chất lượng vụ lúa đông xuân không đạt như mong đợi.


HỒNG ĐĂNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp