Khánh Sơn: Mong có thêm những cây cầu

Thứ tư - 27/07/2022 13:27
Khánh Sơn có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương ít, tập trung ở dọc 2 bên bờ sông Tô Hạp. Do đó, huyện kiến nghị tỉnh xem xét đầu tư thêm một số cầu bê tông kiên cố, tải trọng lớn bắc qua sông Tô Hạp để khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp dọc 2 bên con sông này. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Khánh Sơn: Mong có thêm những cây cầu

Khánh Sơn có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương ít, tập trung ở dọc 2 bên bờ sông Tô Hạp. Do đó, huyện kiến nghị tỉnh xem xét đầu tư thêm một số cầu bê tông kiên cố, tải trọng lớn bắc qua sông Tô Hạp để khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp dọc 2 bên con sông này.


Nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất


Từ khi cầu Ko Róa bắc qua dòng suối Ko Róa hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2020, hàng trăm hộ dân các thôn Ko Róa, Du Oai, Ha Nít (xã Sơn Lâm) canh tác trong khu vực sản xuất Ko Róa rộng hơn 200ha đã đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. “Trong vùng sản xuất Ko Róa, người dân chủ yếu trồng cây ăn quả, chuối. Trước đây khi chưa có cầu, người dân phải gùi chuối, thồ từng bao sầu riêng vượt suối Ko Róa để đưa về tiêu thụ. Mùa nắng còn đi được, mùa mưa lũ, nước lớn thì không có cách nào vượt suối. Đã có những trường hợp đuối nước xảy ra khi người dân cố tình vượt suối mùa mưa. Bây giờ có cầu bê tông lớn, ô tô, xe máy vào tận chân rẫy thu mua nông sản cho người dân nên rất thuận lợi”, ông Cao Muông - người dân thôn Ko Róa nói.

 

Từ khi cầu Ko Róa hoàn thành, giao thông  vào vùng sản  xuất Ko Róa (xã Sơn Lâm) đã thuận lợi.

Từ khi cầu Ko Róa hoàn thành, giao thông vào vùng sản xuất Ko Róa (xã Sơn Lâm) đã thuận lợi.


 Khu vực sản xuất thôn Ha Nít rộng khoảng 300ha là nơi trồng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác của hơn 150 hộ dân xã Sơn Lâm. Khu vực này cách Tỉnh lộ 9 bởi con sông Tô Hạp. Trước khi cầu Ha Nít hoàn thành (tháng 7-2021), người dân địa phương chủ yếu sử dụng xe máy để vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản vượt sông Tô Hạp ở những đoạn nước cạn; còn mùa mưa phải đi đường vòng rất xa. Từ khi cầu xây xong, người dân không còn lo bị chia cắt với rẫy vườn nữa. Đến mùa thu hoạch sầu riêng, thương lái cho xe ô tô vào tận vườn để thu mua, không còn cảnh phải vận chuyển 2 - 3 chặng như trước đây. Ông Trịnh Đình Ba - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm nói: “Từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, xã đã được đầu tư 2 cây cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Tô Hạp và suối Ko Róa, giúp cho việc lưu thông, vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi hơn rất nhiều”.


Không chỉ ở xã Sơn Lâm, thời gian gần đây, từ kinh phí của tỉnh, của huyện, một số cây cầu bê tông kiên cố khác cũng đã và đang được đầu tư trên địa bàn huyện Khánh Sơn như những cây cầu vượt lũ, bắc qua suối chính ở các địa phương trong huyện hay cầu vào khu sản xuất Suối Chó (xã Thành Sơn), cầu vào khu sản xuất Tà Gụ (xã Sơn Hiệp)… đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân các địa phương.


Mong xây thêm cầu


Qua các đợt tiếp xúc cử tri gần đây, người dân 2 thôn: A Pa 1, A Pa 2 (xã Thành Sơn) liên tục kiến nghị tỉnh xem xét, đầu tư kinh phí để xây dựng 1 cây cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Tô Hạp để nối Tỉnh lộ 9 với khu vực sản xuất khoảng 170ha của người dân địa phương ở phía bên kia sông. Theo lãnh đạo UBND xã Thành Sơn, khu vực kiến nghị làm cầu là nơi tập trung phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã. Khu vực này chỉ có 1 cầu treo vượt lũ bắc qua sông Tô Hạp, kết nối với trung tâm xã, được đầu tư đã lâu. Hiện nay, cầu treo này không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân, nhất là khi người dân địa phương đang tập trung chuyển đổi cây trồng, đầu tư các vườn cây ăn quả tại đây. Để khai thác tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp ở phía bên kia sông Tô Hạp, địa phương mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư cây cầu bê tông kiên cố.


Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn cho biết, Khánh Sơn là huyện miền núi, địa hình, diện tích đất sản xuất chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt bởi sông Tô Hạp và hệ thống các suối lớn, nhỏ khác nhau. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 4.200ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu tập trung dọc 2 bên sông Tô Hạp. Để khai thác tiềm năng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, địa phương kiến nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ xây dựng thêm một số cầu bê tông kiên cố, tải trọng lớn kết nối 2 bên bờ sông Tô Hạp ở các xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc và thị trấn Tô Hạp.


HẢI LĂNG

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp