Tuy đường ngang giao với đường sắt mới (kết nối từ Quốc lộ 1 vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ) được xây dựng bài bản, có gác chắn, bảo đảm an toàn hơn khi lưu thông, nhưng đến nay, một số người dân thôn Ninh Đức (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) vẫn chưa đồng ý rào đóng đường ngang cũ, trong khi 2 đường ngang này chỉ cách nhau khoảng 230m. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng này.
Theo ghi nhận thực tế, đường ngang giao với đường sắt Bắc - Nam tại Km1288+320 vào mỏ đá Hòn Giốc Mơ đã được đầu tư hoàn chỉnh từ năm 2014. Tại nút giao này được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo về mặt kỹ thuật an toàn chuyên ngành. Thời điểm đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã thống nhất mở đường ngang này vừa để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), vừa tạo điều kiện cho đơn vị khai thác cung cấp vật liệu cho dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1. Sau khi hoàn thành dự án, cơ quan chức năng yêu cầu phải đóng đường ngang cũ tại Km1288+088 (thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc) để bảo đảm an toàn mới tiếp tục cho phép khai thác đường ngang mới tại Km1288+320. Thế nhưng, khi cơ quan chức năng tổ chức đóng đường ngang cũ thì người dân ngăn lại. Do 2 đường ngang cách nhau quá gần, chỉ khoảng 230m nên ngành Đường sắt bắt buộc phải đóng đường ngang mới.
Được biết, trước khi kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam mở đường ngang tại Km1288+320, Ban ATGT tỉnh cùng UBND thị xã Ninh Hòa và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn giải pháp mới đi đến thống nhất việc đóng đường ngang cũ. Hầu hết người dân địa phương cũng đồng tình với phương án mở đường ngang mới, đóng đường cũ để bảo đảm ATGT. Ông Trịnh Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Ninh Lộc cho biết, quan điểm của địa phương là đồng ý mở đường ngang mới bởi mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ bảo đảm ATGT mà còn tạo điều kiện cho đơn vị khai thác mỏ đá cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tạo việc làm ổn định cho người dân trong khu vực.
Hiện nay, vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận, mong muốn để lại một lối đi rộng từ 1,5 đến 2m để lưu thông, nhưng việc này là sai quy định, ảnh hưởng đến công tác chạy tàu và mất ATGT. Địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân đồng thuận với chủ trương mở đường mới, đóng đường cũ.
Ông Phạm Văn Trọng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh khẳng định, ban đã nhiều lần cùng với địa phương và ngành Đường sắt đi khảo sát, họp và đi đến thống nhất cần phải mở lại đường ngang mới vào năm 2023 và đóng đường ngang cũ. Đường ngang cũ chỉ có cảnh báo tự động (không có cần chắn tự động), lại có độ dốc lớn; các yếu tố kỹ thuật của đường bộ trong phạm vi đường ngang không đảm bảo theo quy định về đường ngang và cấp phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Trong khi đó, đường ngang mới là đường ngang cấp II, thiết kế có người gác, rộng 12m, được đầu tư đúng quy định và đảm bảo an toàn kỹ thuật. Tại vị trí nút giao Quốc lộ 1 với đường ngang đường sắt Km1288+320 đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận cho phép mở dải phân cách giữa nên lưu thông rất thuận lợi.
Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: UBND thị xã đã có văn bản yêu cầu UBND xã Ninh Lộc phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Đảng ủy, HĐND xã Ninh Lộc, Mặt trận và các đoàn thể của xã cùng Ban nhân dân thôn Ninh Đức tổ chức họp để thống nhất về quan điểm đóng đường ngang cũ, mở đường ngang mới. Hiện còn 15 người dân thôn Ninh Đức chưa đồng thuận việc đóng đường ngang cũ. Xã cần tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng và vận động tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc mở đường ngang mới. |
THÀNH NAM