Vừa qua, tại huyện Cam Lâm, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phối hợp với Cộng đồng King Broker tổ chức hội thảo “Second home lên ngôi và xu hướng nhà lắp ghép”. Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, second home (ngôi nhà thứ 2) không chỉ đáp ứng mong muốn của con người là có nơi nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với mình, mà còn là sản phẩm đầu tư dài hạn. Cam Lâm được xem là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển loại hình bất động sản này theo mô hình nhà lắp ghép.
“Ngôi nhà thứ 2” với mô hình lắp ghép
Theo các chuyên gia bất động sản, tuy du nhập vào Việt Nam chưa lâu nhưng xu hướng second home đã trở thành một làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19. Second home là mô hình mang lại khả năng sinh lời kép. Nhà đầu tư vừa có thể ở, vừa có thể khai thác kinh doanh như cho thuê. Mặt khác, second home còn có thể giúp chủ sở hữu tích lũy nguồn tài sản.
Cùng với sự lên ngôi của mô hình đầu tư second home, những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, giải pháp nhà lắp ghép ngày càng trở nên tối ưu hơn và đang dần trở thành xu hướng mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Nhiều ưu điểm giúp nhà lắp ghép đang là một phân khúc mới rất tiềm năng trên thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là khi kết hợp với đầu tư second home.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mô hình nhà lắp ghép đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Ở nước ta mô hình này hoàn toàn có điều kiện, có khả năng để thực hiện và cũng phù hợp với nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là những nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nói về sự liên kết giữa second home và nhà lắp ghép, ông Đính cho biết, second home là một dòng sản phẩm hỗ trợ cho các sản phẩm trong thị trường bất động sản du lịch. Mô hình nhà lắp ghép hoàn toàn có thể đáp ứng được tại những bản làng, vùng núi rừng, mặt hồ, mặt nước… Đó chính là tính năng động, linh hoạt của dòng sản phẩm này, miễn là các khu vực lắp đặt phải phù hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuân thủ quy định chung về công trình xây dựng
Liên quan đến vấn đề pháp lý đối với mô hình nhà lắp ghép, luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group cho biết, Việt Nam chưa có quy định riêng về nhà lắp ghép, nhà tiền chế hay nhà di động. Các mô hình nhà ở này được xem là công trình xây dựng trên đất nên sẽ tuân thủ theo quy định chung về công trình xây dựng theo Luật Xây dựng hiện hành. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đã có tiêu chuẩn quốc gia về nhà lắp ghép tấm lớn. Theo đó, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9376: 2012 áp dụng cho giai đoạn thi công và nghiệm thu công tác lắp ghép nhà ở tấm lớn không khung có chiều cao đến 9 tầng. Các loại cấu kiện lắp ghép tấm lớn được sản xuất trong nhà máy hoặc trên sân bãi công trường đều áp dụng tiêu chuẩn này.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho biết thêm, việc nhập khẩu nhà lắp ghép có thể thực hiện được. Thủ tục nhập khẩu nhà lắp ghép tuân theo các quy định nhập khẩu hàng hóa thông thường, theo các quy định hướng dẫn của Bộ Công Thương. Một điểm đáng chú ý là nhà lắp ghép được sử dụng kinh doanh cơ sở lưu trú. Luật Du lịch hiện hành không cấm cơ sở lưu trú là nhà lắp ghép, nhà tiền chế. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như homestay, farmstay, bungalow… có thể sử dụng công trình là nhà lắp ghép trong hoạt động kinh doanh này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhận định xu hướng nhà lắp ghép sẽ được nhiều người lựa chọn vì gắn với sống xanh, bền vững nên đây được coi là một giải pháp đóng góp cần thiết cho môi trường. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, huyện Cam Lâm có nhiều tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng và đầu tư bất động sản. Vì vậy, second home cũng có nhiều điều kiện để phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường bất động sản tại đây.
VĂN KỲ