Bạo lực học đường

Thứ sáu - 29/07/2022 11:40
Phiên tòa xét xử 2 học sinh lớp 11 (trú thị xã Ninh Hòa) phạm tội giết người có khá nhiều phụ huynh tham dự. Họ đều thở dài khi nghe diễn biến vụ án.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Phiên tòa xét xử 2 học sinh lớp 11 (trú thị xã Ninh Hòa) phạm tội giết người có khá nhiều phụ huynh tham dự. Họ đều thở dài khi nghe diễn biến vụ án.
 
Trước tòa, bị cáo N.P.C.T thừa nhận đã cùng bị cáo T.T.N đến cổng trường, dùng tuýp sắt đánh vào đầu và lưng một học sinh cùng trường với em ruột của T., gây thương tích 19%. Bị  cáo T. lý giải hành động phạm tội do rất bức xúc chuyện học sinh này thường xuyên gây sự đánh em mình. Bị cáo N. cũng khai, nghe T. kể lại và rủ đi nói chuyện thì nhận lời do thấy thương em của T. và nể bạn. Tuy nhiên, sau khi gọi bị hại ra, N. lập tức đánh vào đầu, còn T. bồi tiếp 2 nhát vào lưng bị hại. Tận khi mở phiên tòa, các bị cáo chưa từng hỏi bị hại vì sao thường xuyên gây sự với em của T. Các bị cáo đã phải trả giá với bản án 3 năm tù dành cho T. và 4 năm 6 tháng tù dành cho N.
 
Tuy nhiên, vụ án làm những phụ huynh dự phiên tòa thấy buồn lòng. Trước khi xảy ra vụ án, các bị cáo đều là học sinh khá, giỏi, được giấy khen. Hành xử hồ đồ, nông nổi đã khiến các bị cáo vướng vòng lao lý, mất đi cơ hội học tiếp bậc phổ thông. Thấu hiểu điều đó, cha của bị hại đã xin giảm án cho các bị cáo. Ông bảo, T. và N. còn non nớt, dại dột, ông thấy tội nghiệp khi cả hai phải chấp hành án. 
 
Nguyên nhân dẫn đến vụ án do nhiều lần em ruột của T. bị bị hại đánh. Em ruột của T. ốm nhom, nhỏ thó, trong khi bị hại cao lớn gấp rưỡi, nên dễ hiểu em ruột của T. bất lợi hơn nhiều khi phải tự vệ. Bị cáo T. thừa nhận, thấy em ấm ức kể bị đánh nhiều lần, T. rất thương. T. vốn định gặp bị hại nói chuyện, nhưng thấy bị hại thì cơn bực tức bùng lên, không kiềm chế được. 
 
Sau khi đại diện viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án, em ruột của T. chùi vội nước mắt, còn mẹ bị cáo ôm mặt, cố kìm tiếng khóc cứ chực bật ra. Em ruột T. cho biết, em bị chọc, đánh nhiều lần mà không làm gì được. Khi kể cho T. nghe, em vẫn chưa kiềm chế nổi sự uất ức và đã khóc. Lúc đó, T. không khóc, chỉ im lặng, vẻ mặt rất buồn. Lúc em ở cổng trường ra, T. có nhờ chỉ bị hại và nói gặp để nói chuyện đừng bắt nạt em nữa. Em không nghĩ 2 anh lại đánh bị hại, dẫn đến vào tù… Nói rồi, em lại chùi nước mắt. Có lẽ, em đang tự trách bản thân và cho rằng, do em kể cho T. nghe chuyện bị bắt nạt mới khiến anh lâm vào tù tội.
 
Thực tế, hội đồng xét xử không nhận định như vậy. Nhưng câu chuyện bắt nạt là có thật và đã được các bên thừa nhận. Bị hại đã xác nhận không đánh nhưng có “chọc ghẹo” em trai T. nhiều lần. Cho dù khác về cách diễn đạt nhưng chuyện bắt nạt là có thật và em ruột của T. đã phải ấm ức chịu đựng một thời gian. Chuyện cậy mạnh bắt nạt yếu đôi khi vẫn xảy ra trong môi trường học đường và để lại những hậu quả xấu. Do vậy, cần nhất vẫn là môi trường học đường không bạo lực, cùng là học trò đừng bắt nạt nhau!  
 
TAM THUẬT    
 
 
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp