Cần tâm thế sống trách nhiệm

Thứ sáu - 16/09/2022 12:04
Bị cáo N.M.Đ (sinh năm 2006, trú TP. Cam Ranh) phạm tội giết người khi ở tuổi 15. Người dự phiên tòa có thể hiểu sự nông nổi của vị thành niên, nhưng nhiều người không đồng tình cách bị cáo ngụy biện cho mình cũng như phản ứng của cha mẹ Đ. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Bị cáo N.M.Đ (sinh năm 2006, trú TP. Cam Ranh) phạm tội giết người khi ở tuổi 15. Người dự phiên tòa có thể hiểu sự nông nổi của vị thành niên, nhưng nhiều người không đồng tình cách bị cáo ngụy biện cho mình cũng như phản ứng của cha mẹ Đ.


Đ. lý giải việc đâm bị hại đơn giản do Đ. quen một bạn gái mà bị hại lại nhắn tin cho bạn này! Đ. cũng xác nhận bản thân có tình cảm đơn phương với bạn gái. Bị hại thì cho rằng mình cũng chơi với bạn gái này nên nhắn tin trò chuyện là bình thường. Nhưng Đ. không chấp nhận vậy. Đ. đã gọi cho bị hại, hẹn đánh nhau tay đôi. Đ. giải thích việc rủ mấy người bạn đi cùng vì sợ bị hại gọi thêm người. Đ. mua dao mang theo cũng vì sợ đánh không lại bị hại. Gặp nhau, cãi nhau vài câu, đánh nhau vài cái, Đ. đã rút dao, đâm trúng ngực bị hại…


Vị chủ tọa phân tích, việc Đ. quen bạn gái không có nghĩa không ai được quen; thậm chí dù là người yêu cũng không có quyền cấm người khác nhắn tin trò chuyện thông thường. Đ. chủ động hẹn đánh nhau tay đôi nhưng lại rủ 3 bạn cùng đi, khi biết bị hại ngồi một mình, Đ. vẫn dặn các bạn đứng ngoài, nếu thấy mình bị đánh thì vào hỗ trợ. So sánh tương quan, Đ. có dao, có bạn chờ bên ngoài; bị hại tay không, đi một mình. Vậy mà Đ. vẫn rút dao đâm. Khi bị hại bỏ chạy, Đ. còn đuổi theo, đâm tiếp vào lưng, gây thương tích 28%. Các lý do biện minh của bị cáo là không chính đáng. Bị cáo hành xử quá côn đồ!


Nghe tòa hỏi về việc quản lý con, về tính tình Đ. và bồi thường thiệt hại, mẹ Đ. khẳng định, xưa nay Đ. luôn nghe lời cha mẹ, học khá; xảy ra chuyện như vậy cũng do Đ. còn trẻ quá, khờ quá! Còn cha Đ. bức xúc vì nhà ông đã nhiều lần sang nhà bị hại xin lỗi, cha mẹ bị hại đồng ý nếu ông bồi thường tiền chữa trị 40 triệu đồng thì sẽ bãi nại, không yêu cầu thêm. Nhà ông đã cố chạy vạy đưa đủ. Vậy mà giờ ra tòa, bị hại lại yêu cầu thêm 40 triệu đồng. Giờ nhà ông rất khó khăn, không thể lo thêm được nữa.


Tòa công bố nhận xét của nhà trường: Đ. học yếu, thường xuyên vi phạm nội quy, bỏ kiểm tra… Cả hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát và luật sư đều giải thích, do bị cáo phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi nên cha mẹ phải bồi thường thay con. Việc bồi thường này cũng xuất phát từ trách nhiệm quản lý, giáo dục con. Bị hại có quyền yêu cầu bồi thường thêm và có thể được tòa chấp nhận nếu chính đáng. Việc ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận bồi thường không có nghĩa ép buộc cha mẹ Đ. phải bồi thường ngay mà có thể thực hiện dần dần, tùy khả năng. Việc cha mẹ Đ. đồng ý chỉ thể hiện tâm thế sẵn sàng nhận trách nhiệm trước lỗi lầm của con, qua đó giúp con hiểu thế nào là sống có trách nhiệm và nhận ra lỗi lầm, nỗ lực cải tạo… Nhưng cha Đ. tiếp tục khẳng định gia đình không còn khả năng, con ông làm thì con ông chịu, chấp nhận đi tù vài năm…


Đ. bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù, cha mẹ phải tiếp tục bồi thường 30 triệu đồng. Nhìn theo cha mẹ Đ. đi xa dần, vị hội thẩm lắc đầu: Gia đình Đ. đáng thương khi phải quay quắt chuyện tiền nong. Nhưng khi đã được tòa giải thích nhiều lần mà trước mặt con và bị hại họ vẫn nói lời từ chối thì sao dạy con tâm thế sống trách nhiệm với xã hội?


TAM THUẬT

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp