Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Khó hoàn thành kế hoạch trồng rừng

Thứ hai - 05/12/2022 14:27
Thời điểm này đã vào cuối mùa trồng rừng nhưng tiến độ trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán đạt thấp, dự kiến không thể hoàn thành kế hoạch năm 2022. Vì thế, năm 2023, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa cần có giải pháp để tập trung trồng rừng nhằm đạt chỉ tiêu của chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Khó hoàn thành kế hoạch trồng rừng

Thời điểm này đã vào cuối mùa trồng rừng nhưng tiến độ trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán đạt thấp, dự kiến không thể hoàn thành kế hoạch năm 2022. Vì thế, năm 2023, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa cần có giải pháp để tập trung trồng rừng nhằm đạt chỉ tiêu của chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.


Đạt thấp so với kế hoạch


Trong tháng 10 và 11, tranh thủ thời tiết thuận lợi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã tập trung cây giống, nhân công để hoàn tất việc trồng 45,61ha rừng tại xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm) từ chương trình trồng rừng thay thế năm 2021, chuyển tiếp sang năm 2022 do năm trước dịch Covid-19 kéo dài, việc thi công không thể hoàn thành theo kế hoạch. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa: “Đối với kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2022, với tổng diện tích gần 69ha, tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng Công trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng thay thế năm 2022 của đơn vị. Đến thời điểm này, do vẫn đang lựa chọn nhà thầu nên năm nay sẽ không thể triển khai trồng rừng trên thực địa mà phải chuyển tiếp sang thực hiện trong năm sau”.

Nhân công của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đưa cây giống đi trồng rừng.
Nhân công của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đưa cây giống đi trồng rừng.

Tại huyện Khánh Vĩnh, để thực hiện kế hoạch trồng rừng tập trung, địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí 1,85 tỷ đồng, trồng mới 250ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, do một số khó khăn liên quan đến thủ tục đầu tư, năm 2022, kế hoạch này của địa phương vẫn chưa thể triển khai mà phải chuyển sang năm 2023 mới thực hiện.


Nhìn chung, việc triển khai trồng rừng tập trung theo Đề án “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 -2025” ở các đơn vị chủ rừng, địa phương trong tỉnh khó hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Cụ thể, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới trồng hơn 292/739ha rừng sản xuất theo kế hoạch, ước thực hiện đến cuối năm 2022 chỉ đạt khoảng 63% kế hoạch. Đối với hơn 170ha rừng trồng phòng hộ, đang lựa chọn nhà thầu nên cũng không thể triển khai kịp việc trồng rừng trên thực địa trong năm nay. Đối với trồng cây phân tán, năm 2022, toàn tỉnh dự kiến trồng 957 nghìn cây nhưng từ đầu năm đến nay chỉ mới thực hiện trồng 392 nghìn cây, ước đạt khoảng 41% so với kế hoạch. Hiện nay, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt khoảng 80% kế hoạch.


Tập trung thực hiện trong năm 2023


Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, có 2 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kế hoạch trồng rừng năm nay. Đối với diện tích trồng rừng phòng hộ, do một số khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư. Đối với trồng rừng sản xuất tập trung và trồng cây phân tán, một số địa phương chưa phê duyệt hoặc có điều chỉnh quyết định phân bổ vốn đầu tư; quỹ đất trồng rừng chưa đáp ứng các tiêu chí về hỗ trợ trồng rừng sản xuất tập trung nên chưa thể thực hiện trồng rừng trên thực địa như kế hoạch.

Nhân công của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa phát dọn hiện trường trồng rừng ở khu vực Sơn Tân (huyện Cam Lâm).
Nhân công của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa phát dọn hiện trường trồng rừng ở khu vực Sơn Tân (huyện Cam Lâm).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với những diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất tập trung, cây phân tán chưa trồng được trong năm 2022, các đơn vị chủ rừng, địa phương trong tỉnh sẽ chuyển tiếp sang thực hiện trong năm 2023; đồng thời sớm hoàn thành các thủ tục liên quan đến các dự án trồng rừng năm 2023 để đảm bảo kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 -2025” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 46,5%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.


Do việc trồng rừng năm nay khó hoàn thành nên trong năm tới, khối lượng công việc liên quan đến trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán của các đơn vị chủ rừng, địa phương sẽ rất lớn. Do đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị chủ rừng nhà nước cần chủ động kế hoạch, rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xác định rõ quỹ đất trống phục vụ trồng rừng và trồng cây xanh phân tán; chủ động bố trí nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp để thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh vì cộng đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chủ động nguồn cây giống, nhân lực để thực hiện kế hoạch trồng cây gây rừng; phát động các phong trào Tết trồng cây, Ngày Chủ nhật xanh…; huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể, người dân trong phong trào trồng cây xanh.

 

Thực hiện Đề án “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021-2025 trồng hơn 12 triệu cây xanh, tương đương với 4,935 triệu cây phân tán và 3.600ha rừng tập trung (7,158 triệu cây trồng rừng tập trung).


HẢI LĂNG



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp