Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

2h sáng, phụ huynh ngắt cầu dao để con không học bài

Thứ tư - 22/12/2021 23:14
Nhiều hôm, vợ chồng chị Nha Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải ngắt cầu dao để con không học bài. Con thức khuya, dậy sớm nhưng phụ huynh cảm thấy việc học không thực chất.
2h sáng, phụ huynh ngắt cầu dao để con không học bài

Một ngày, của con gái chị Trần Nha Trang thường bắt đầu lúc 6h hoặc 6h30. Ngoài học online theo chương trình của trường, con xin bố mẹ cho học thêm 5 môn.

Lịch học của nữ sinh lớp 8 gần như kín từ cả tuần với khung giờ linh hoạt, hôm 15h30, 16h30, 17h30, hôm lại 18h, 19h, 20h. Có hôm, con học đến 4 ca/ngày. Hai tuần nay, chuẩn bị thi học kỳ, việc học của con còn kéo dài hơn, có hôm đến 2h sáng.

“Con nhất định không đổi lịch hay giảm giờ học. Hai tuần nay, tôi phải ngủ cùng nhưng con vẫn thức khuya. Nhiều khi, phụ huynh bất lực. Con thắc mắc học tốt, điểm cao, được thầy cô khen, sao bố mẹ lại ngăn học. Con chưa thấy ai mắng con cái vì chăm học cả”, chị Nha Trang kể.

phu huynh ngat cau dao de con khong hoc bai anh 1

Gia đình chị Trần Nha Trang du lịch trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Từ khi có dịch, gia đình không đi đâu xa. Ảnh: N.T.

Bài vở nhiều, sắp xếp thời gian chưa hợp lý

Chị Trang nhiều lần chia sẻ với con điểm số không nói lên điều gì, học sinh phải rèn tố chất, ý thức, thái độ học. Điểm số cao một phần con xin theo nhiều lớp học thêm dù bố mẹ không muốn. Tuy nhiên, con gây áp lực lại với lý lẽ không nhà ai, con muốn học, bố mẹ lại không cho.

Trong khi đó, hai vợ chồng chị quan niệm học chỉ là một phần. Còn lại, con cần chia sẻ việc nhà, có bữa cơm gần gũi gia đình thay vì vội vàng vào ca học thêm.

Dù mẹ theo sát, con vẫn thường xuyên học bài đến nửa đêm, thậm chí đến 2h sáng trong thời gian ôn thi. Chị cho rằng việc học kéo dài một phần vì lịch học nhiều, khối lượng bài tập lớn nhưng cũng do con chưa biết sắp xếp hợp lý.

Gần 2 năm qua, khi lựa chọn tập trung vào xưởng, kinh doanh tại nhà để có thể theo sát con, chị Trang nhận thấy ban ngày, con chơi, giáo viên giảng, con không kịp chép bài, chụp hình lại, đến tối muộn mới chép bù. Thỉnh thoảng, các con học online mà camera hướng lên trần, dán bớt màn hình nhằm tiện làm việc riêng.

Theo lời chị Trang, một số học sinh còn giơ tay phát biểu từ đầu giờ để sau đó không bị gọi, có thể xem nội dung khác. Các con lập nhóm, phân công nhau chép bài từng môn rồi chia sẻ cho người khác chép lại.

Chị từng theo dõi nhiều buổi học trực tuyến của con, nhận thấy ngày càng nhiều bạn thiếu ý thức học tập. Các con dành thời gian “cày phim”, sáng không dậy được. Bố mẹ bận công việc, không ai lo bữa sáng, 2 bữa nhập làm một.

Những đứa trẻ ở độ tuổi mới lớn chưa biết sắp xếp thời gian hợp lý nhưng vẫn phải hoàn thành bài tập, dẫn tới việc thức khuya “chạy deadline” chứ không hẳn vì các con học hành chăm chỉ.

Tuy nhiên, chị Nha Trang không phủ nhận trong thời gian học online, khối lượng kiến thức trẻ cần tiếp thu rất lớn. Con gái chị đang học lớp 8, tiền đề để chuẩn bị thi vào lớp 10.

Gần 2 năm qua, dù trẻ học trực tuyến, chương trình hầu như không giảm tải, thầy cô tận dụng thời gian dạy học, sợ trò mất gốc, không đủ điểm số, chất lượng cho cuộc cạnh tranh vào lớp 10.

“Với cái mác lớp chọn, các con có gánh nặng hơn học sinh lớp thường. Nhiều khi, con còn không có thời gian nghỉ ngơi, vừa ăn uống vừa học còn uống thuốc. Nếu mẹ không ở nhà theo sát, con nhập viện mất”, chị Trần Nha Trang tâm sự.

Thậm chí, ngay cả với con trai học lớp 4, khối lượng học cũng đang quá tải khi phải học những thứ phức tạp như từ phái sinh, cách phân định ranh giới từ… Ngoài học chương trình chính, cuối tuần, con học thêm Toán, Tiếng Việt và được mẹ dạy thêm tiếng Anh.

phu huynh ngat cau dao de con khong hoc bai anh 2

Ở những thời điểm dịch Covid-19 không quá phức tạp, chị Nha Trang chọn giờ vắng, "kéo" con ra khỏi nhà để bớt áp lực. Ảnh: N.T.

Áp lực để con không thành “gà công nghiệp”

Gần 2 năm đồng hành cùng con trong việc học trực tuyến, bà mẹ 2 con thừa nhận khi trẻ không thể đến lớp, không chỉ thầy cô, nhà trường, các con mà phụ huynh cũng rất áp lực.

Cả 2 con đều nằm trong nhóm học tốt ở lớp song chị Trang cho rằng kết quả học tập không thực chất. Đây là tình trạng của nhiều học sinh khi trong giờ thi, các con vẫn có thể sử dụng thiết bị khác hỗ trợ làm bài.

Chưa kể điểm 10 tuyệt đối nhiều khi được đánh đổi bằng những buổi thức khuya ôn bài hay buổi sáng bỏ bữa. Thời gian con học trực tuyến kéo dài, nỗi lo của phụ huynh càng lớn.

Không ít khi, chị Trang cảm thấy con như trở thành người khác. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, con được học vẽ, bơi, đến xưởng làm đồ điện, cưa xẻ gỗ, học phòng cháy chữa cháy, kỹ năng mềm.

Trong thời kỳ dịch bệnh, cuộc sống của con gần như vây trong những bức tường, chỉ rời phòng xuống nhà ăn cơm hoặc thoặc tự chuẩn bị vài món mình yêu thích.

“Dịch bệnh hạn chế rất nhiều. Con người, thái độ, tư duy của con bị thay đổi. Con sẵn sàng phản kháng, nổi đóa, cãi tay đôi với người lớn. Nhiều khi, tôi ngỡ ngàng vì con khác hẳn ngày trước, chưa kể con dậy thì với nhiều biến đổi tâm, sinh lý”, bà mẹ 2 con chia sẻ.

Về thể chất, con ì ạch hơn, chiều cao không phát triển, người xanh xao, da mụn do thức khuya và thay đổi nội tiết tố. Về tâm lý, thỉnh thoảng, con khóc, cười, nói một mình, hét lên nếu việc học không vừa ý, ban đêm mê sảng, đổ mồ hôi.

Nuôi con trong giai đoạn này, gia đình chị phải tìm mọi cách để con “không trở thành gà công nghiệp”.

Chị sắp xếp công việc để theo sát con, quản lý việc sử dụng thiết bị di động, Internet, chăm lo bữa ăn, tạo môi trường học tập, cố gắng uốn nắn con từng việc nhỏ.

Sức khỏe con gái không tốt, chị Trang còn phải để ý từng chút một, từ nhắc tư thế ngồi, khuyến khích con vận động, "ốp" giờ đi ngủ đến bổ sung dinh dưỡng, vitamin…

Chị cũng tìm cách kéo con ra khỏi nhà, hai mẹ con chơi thể thao, đi bộ đến quán gội đầu hay chọn khung giờ vắng để ra tiệm cà phê tâm sự, giúp con điều chỉnh.

Thậm chí có lúc, phụ huynh phải nhảy vài điệu, học ngôn ngữ tuổi teen để con đỡ áp lực. Chị thừa nhận con có những biểu hiện bất ổn trong thái độ, cảm xúc. Song đó cũng là cách để con xả bớt căng thẳng. Khi tiếp xúc người khác, con vẫn giao tiếp bình thường, có kỹ năng xử lý vấn đề.

Gần đây, sau sự ra đi của một bạn học, con gái chị bắt đầu có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn, cố rèn ngủ sớm, dậy sớm, ăn uống đầy đủ. Dù vậy, chừng nào con chưa được đến lớp, nỗi lo vẫn còn.

“Việc học trực tuyến không hiệu quả lại nhiều hệ lụy nhưng chúng tôi cũng không biết làm thế nào để con trở lại trường an toàn. Ai cũng bảo tính mạng quan trọng, còn sức khỏe là còn tất cả nhưng đây cũng là áp lực với gia đình nếu các con cứ học online mãi như thế này”, nữ phụ huynh ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Học sinh gồng mình chạy đua lịch học

Thực tế, không chỉ chị Trần Nha Trang, nhiều phụ huynh, giáo viên cũng đau đầu trước tình trạng trẻ thức khuya, dậy sớm trong thời gian học online.

Cô Phạm Mai Hoa, giáo viên trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội), cho hay theo những gì cô quan sát được, càng ngày, học sinh, đặc biệt những em cuối cấp, càng có xu hướng thức khuya.

Các con có lượng bài vở nhiều, từ chính khóa đến lớp học thêm, lò luyện thi. Nhiều em đang phải gồng mình chạy theo lịch học hoặc tự tạo áp lực cho bản thân phải cố học thật tốt để đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, cô Mai Hoa cho biết một số học sinh thức khuya do sắp xếp thời gian giữa việc học và chơi chưa hợp lý. Các con mải chơi rồi lại phải thức đến giữa đêm, thậm chí 1-2h để hoàn thành bài vở.

Cô nói thêm việc trẻ học online, được giao sử dụng thiết bị công nghệ và Internet góp phần khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng. Trẻ lợi dụng thời gian rảnh giữa các ca học để lướt web, xem phim, chơi game... dẫn đến việc chơi quá đà, thậm chí "nghiện".

"Nhưng không giao thiết bị cho con học cũng không được bởi với thời kỳ ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay, các con cần tra cứu tài liệu trên mạng rất nhiều. Mặt tích cực cũng có mà bất lợi cũng không nhỏ. Nhiều gia đình sắm cả camera để bàn để quản lý thời gian học của con", cô Mai Hoa nói.

Cô cho rằng việc trẻ thức đến 1-2h học bài ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, cô hy vọng phụ huynh quan tâm con nhiều hơn, nhắc nhở khi thấy thời gian học của con chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên xem lại lịch học của con để có hướng điều chỉnh, tránh áp đặt mong muốn của người lớn lên các con mà quên mất liệu con mình có đủ năng lực không. Cô lo nếu việc phải gồng mình chạy theo lịch học chính, học thêm sẽ gây mất cân bằng cho trẻ, để lại hậu quả lâu dài.

"Là giáo viên, tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các con. Bản thân hạn chế việc giao quá nhiều bài tập để giảm bớt áp lực cho học trò, đồng thời kéo dài thời hạn nộp bài để các con có đủ thời gian làm", cô Phạm Mai Hoa chia sẻ.

Áp lực vào trường chuyên, học sinh ôn thi đến 2h sáng

Từ lúc lên lớp 9, con trai chị Thanh Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) hầu như chưa hôm nào ngủ trước 2h sáng. Con căng thẳng vì lịch ôn thi dày đặc với mục tiêu đỗ trường chuyên.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp