Khoảng 10 ngày cuối tháng 8, con ngõ nhỏ nơi gia đình Võ Hoàng Duy (1994) sinh sống ở quận Bình Tân bắt đầu xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19.
Khi đó, vì trong nhà có bố mẹ già, con nhỏ, anh đã khử khuẩn không gian sống liên tục, hạn chế ra khỏi nhà. Không may, virus SARS-CoV-2 vẫn tấn công gia đình.
Ngày 30/8, mẹ (sinh năm 1972) và em trai Duy (sinh năm 2002) là những thành viên đầu tiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ho, đau họng. Hai ngày sau, Duy phát hiện dương tính thông qua tự kiểm tra bằng kit test. Đến ngày 3/9, vợ Duy và cậu con trai mới 8 tháng tuổi cũng bị virus tấn công.
Trong gia đình, chỉ còn ba Duy may mắn không nhiễm bệnh.
“Ban đầu, gia đình tôi hoang mang lắm. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ khi gần nhà có ca dương tính, tôi vẫn rất bối rối, lo nhất cho mẹ và con nhỏ”, Hoàng Duy nói với Zing.
Cùng nhau cố gắng
Biết rằng lo sợ không thể giải quyết vấn đề gì mà chỉ khiến tình hình trầm trọng thêm, Hoàng Duy nhanh chóng xốc lại tinh thần, bắt đầu cùng cả nhà chiến đấu với virus.
May mắn, gia đình Duy không ai có bệnh nền hay đang trong tình trạng sức khỏe yếu trước đó. Trong 5 người, mẹ và em trai Duy có các triệu chứng khá nhẹ, chủ yếu là mệt mỏi, ho; vợ đau họng; con trai đôi lúc nôn, sốt nhẹ. Hoàng Duy là người gặp các triệu chứng nghiêm trọng nhất, từng sốt liên tục 38,5 độ C, khó thở.
Mẹ, em trai Duy là những người đầu tiên trong gia đình mắc Covid-19. |
Để tránh ảnh hưởng tình trạng của nhau và giữ an toàn cho thành viên khỏe mạnh còn lại trong gia đình, 5 người bệnh chia làm 2 nhóm ở riêng trong các phòng. Hàng ngày, việc ăn uống, vệ sinh cũng diễn ra riêng biệt, mọi người chủ yếu trao đổi với nhau qua điện thoại.
Hoàng Duy cũng nhanh chóng liên hệ các bác sĩ trong hội nhóm tư vấn F0 trên mạng xã hội. Vì nhà có con nhỏ, anh được một bác sĩ chuyên khoa Nhi ở Nha Trang hỗ trợ.
“Mỗi ngày, chúng tôi đều đo thân nhiệt, nồng độ oxy trong máu và theo dõi các triệu chứng rồi báo cho bác sĩ thông qua một file ghi chú. Từ đó, bác sĩ sẽ giúp chúng tôi đánh giá, đưa ra tư vấn hợp lý”.
Bên cạnh làm theo chỉ dẫn từ người có chuyên môn, gia đình Hoàng Duy cũng chủ động tự nâng cao sức đề kháng, ăn uống đủ chất, xông hơi bằng gừng, sả đều đặn.
“Mỗi sáng, cả nhà thường thức dậy vào khoảng 5h30, vệ sinh cá nhân rồi tắm nắng, ăn xong lại chủ động tập thể dục, liên tục bổ sung nước, vitamin. Riêng tôi đôi lúc sẽ tập thở theo các bài được bác sĩ chỉ dẫn để cải thiện triệu chứng khó thở”, Duy kể.
Với thành viên nhỏ nhất trong nhà, bé luôn được theo dõi sát sao, sử dụng các loại thuốc phù hợp với lứa tuổi được bác sĩ kê. Ngoài sữa, bé được bón cháo nhuyễn, chia thành nhiều cữ ăn trong ngày.
Hồi phục
Từ trạng thái hoang mang, cả gia đình Hoàng Duy dần lấy lại tinh thần, cố gắng lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Trên mạng xã hội, đại gia đình cũng được nhiều bạn bè, họ hàng động viên, cổ vũ.
Sau khoảng 7 ngày, hầu hết F0 trong nhà không còn sốt, mệt, chuyển sang mất vị giác, khứu giác, tình trạng cũng dần cải thiện.
“Tôi nghĩ gia đình hồi phục nhanh một phần nhờ không có bệnh nền, tuân thủ tốt các hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, vì đã tiêm một mũi vaccine Covid-19 vào 18/8 nên có thể điều đó phần nào giúp chúng tôi gặp các triệu chứng nhẹ hơn”.
Trong gần hai tuần, các thành viên luôn động viên, hỗ trợ nhau điều trị. |
Ngày 12/9, em trai Duy là thành viên đầu tiên có xét nghiệm âm tính với virus. Hai ngày sau, cả gia đình như vỡ òa khi chỉ thấy một vạch đỏ xuất hiện trên kit test của 4 người còn lại.
Cùng thời điểm, hầu hết ca Covid-19 trong con ngõ gia đình Duy cũng nhận tin vui, lần lượt âm tính, chỉ có một ca diễn biến nặng hơn, nhanh chóng được chuyển tới bệnh viện điều trị.
“Qua trải nghiệm của bản thân và gia đình, tôi cho rằng điều quan trọng nhất khi mắc Covid-19 là nên giữ được tinh thần lạc quan và chế độ ăn đầy đủ. Tinh thần tốt cũng giống như một liều thuốc để điều trị căn bệnh này”.
Khỏi Covid-19, chàng trai ở TP.HCM xin đi hỗ trợ đội tiêm vaccineSau 13 ngày tự chữa Covid-19 tại nhà và hoàn toàn khỏi bệnh, Vũ Thế Năng đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác chống dịch ở TP.HCM. |