Thời gian qua, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cam Lâm đã đầu tư xây dựng các tủ sách cộng đồng để phục vụ đồng bào, góp phần lan tỏa văn hóa đọc.
Xã Sơn Tân có 324 hộ, 1.249 nhân khẩu, trong đó đồng bào Raglai chiếm 95%. Để đồng bào DTTS có thêm địa chỉ tìm hiểu, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực đời sống xã hội và phát triển kinh tế, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lâm đã hỗ trợ xã xây dựng tủ sách cộng đồng vào tháng 6-2023. Tủ sách được đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao của xã (thôn Va Ly) với 127 đầu sách về các chủ đề: Văn hóa, thể thao, gia đình, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của gia đình, thôn, bản, làng trong cộng đồng các DTTS; pháp luật; y tế; hướng dẫn về trồng trọt và chăn nuôi, phát triển kinh tế… Để phục vụ đồng bào DTTS và người có nhu cầu đọc sách, tủ sách mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Những đầu sách tại đây không chỉ góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về văn hóa, hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mà còn giúp đồng bào có thêm nhiều kiến thức về cách trồng cây, chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Tủ sách cộng đồng góp phần lan tỏa văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Là một độc giả thường xuyên của tủ sách, bà Mang Thị Kim Oanh (thôn Suối Cốc) cho biết, bà thường đến đây để tìm hiểu các loại sách pháp luật về hôn nhân gia đình, Luật Đất đai… rồi về tuyên truyền lại cho phụ nữ ở nơi mình sinh sống để mọi người nắm các quy định và thực hiện. Thấy sách có nhiều nội dung bổ ích, bà đã vận động nhiều chị em đến đọc và tìm hiểu kiến thức. Tủ sách cũng là địa chỉ quen thuộc của các học sinh. Em Mấu Thị Hà Anh Thư - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Sơn Tân cho biết: “Khi rảnh rỗi em thường đến tủ sách cộng đồng tìm những quyển sách về dân tộc Raglai, những câu chuyện hay, câu đố, thơ… để đọc. Tủ sách đã giúp em có thêm nhiều kiến thức mới”.
Theo ông Trần Quang Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, từ ngày có tủ sách cộng đồng, đồng bào DTTS có thêm điều kiện để tiếp cận kiến thức ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong trồng trọt và chăn nuôi. Không chỉ đưa văn hóa đọc trên địa bàn xã được lan tỏa, tủ sách còn góp phần nâng cao dân trí, hình thành lối sống lành mạnh trong đồng bào DTTS ở địa phương.
Xã Cam Phước Tây là xã thuộc khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, thôn Văn Sơn của xã là thôn đặc biệt khó khăn, có 100% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Tháng 9-2024, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lâm đã hỗ trợ cho xã 1 tủ sách cộng đồng đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Văn Sơn, với 100 đầu sách về văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học, đời sống… Người dân địa phương có thể đọc sách, tìm hiểu kiến thức vào các buổi hội họp, sinh hoạt của thôn. Theo bà Nguyễn Thị Phước Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây, Nhà sinh hoạt cộng đồng là nơi các chi hội đoàn thể tập trung sinh hoạt thường xuyên nên thuận lợi để người dân đến với tủ sách cộng đồng và tham gia đọc sách. Ngoài ra, khi có nhu cầu, người dân và các hội viên có thể liên hệ trưởng thôn hoặc các chi hội trưởng nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ… để mượn sách về nhà xem. Qua đó, giúp phát triển văn hóa đọc trong đồng bào DTTS tại địa phương.
Ông Nguyễn Hoài Đức - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lâm cho biết, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, phòng đã hỗ trợ 3 tủ sách cộng đồng với hơn 300 đầu sách và được cập nhật, bổ sung hàng năm cho các xã Cam Phước Tây, Sơn Tân, Suối Cát. Việc hỗ trợ tủ sách cộng đồng trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận với văn hóa đọc và có thêm nguồn tài liệu để phục vụ cho việc học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí. Đồng thời, từng bước nâng cao mức thụ hưởng về đời sống văn hóa, tinh thần gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
CHÂU TƯỜNG