Rosie Nguyen (Nguyễn Cao Hồng Nhung, quê Cần Thơ) và Houman Abouei (đến từ Mỹ) theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số (digital nomad) từ năm 2018. 5 năm qua, hai người vừa làm việc online, vừa đi du lịch khắp nơi.
Với cả hai, việc có chung sở thích, cùng làm việc giúp họ hiểu nhau hơn và trân quý những phút giây bên nửa kia.
Ngày bắt đầu hẹn hò: 23/12/2018
Ngày đính hôn: 23/12/2022
Tuổi: Houman Abouei 36 tuổi, Rosie Nguyen 28 tuổi
Nghề nghiệp hiện tại:
Công việc chính của Rosie và vị hôn phu là kinh doanh về thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Houman cũng làm day trading (giao dịch trong ngày).
Ngoài ra, cặp đôi làm thêm mảng sáng tạo nội dung để chia sẻ về cuộc sống và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau trên các kênh mạng xã hội.
Hai người gặp nhau thế nào?
Năm 2018, khi đang làm quản lý cho công ty nước ngoài, Rosie tình cờ gặp Houman tại một quán cà phê. Họ trao đổi số điện thoại và nhắn tin qua lại. Lúc này, Houman mới tới Việt Nam.
Qua những cuộc trò chuyện và lần hẹn đi ăn, cả hai dần có tình cảm với nhau. Houman quyết định gia hạn visa thêm 3 tháng để ở Việt Nam với Rosie. Họ thường tranh thủ cuối tuần đi du lịch cùng nhau và đồng hành trong những lần công tác.
Trong chuyến đi ngay trước Giáng sinh 2018, Rosie và Houman chính thức hẹn hò.
Tháng 12/2022, Houman cầu hôn.
Trước khi đi đến quyết định gắn bó, hai người có nhiều cuộc nói chuyện về cuộc sống tương lai. Phải tới khi nhận thấy đôi bên đã sẵn sàng cho cột mốc mới, anh mới ngỏ lời.
Dù vậy, Rosie và Houman vẫn cố gắng tận hưởng “cuộc sống tiền hôn nhân” nên chưa xác định ngày cưới, dự định trong năm 2024.
Bước sang năm thứ 5 bên nhau, Houman và Rosie cùng đặt chân tới 11 quốc gia. Những chuyến đi với họ là để sống trải nghiệm, không chỉ là du lịch thăm thú. |
Cảm nhận về nửa kia?
Rosie: “Anh là người chịu khó, cầu tiến, luôn giàu năng lượng, chu đáo, cởi mở, luôn quan tâm đến những điều nhỏ nhoi mà tôi thích hoặc không thích. Anh là chỗ dựa vững chắc và mang lại cảm giác an toàn. Anh dạy cho tôi rất nhiều điều, nhất là sự kiên nhẫn”.
Houman: “Tôi thích Rosie kia ở sự chăm chỉ, nỗ lực, biết chăm sóc mọi người, luôn tôn trọng bạn trai. Cô ấy đam mê khám phá nên chúng tôi có thể đi du lịch khắp nơi cùng nhau. Cô ấy luôn ủng hộ tôi dù đưa ra ý tưởng nào đó nghe có vẻ xa vời và tin tưởng tôi trong mọi quyết định. Cô ấy cũng luôn suy nghĩ kỹ và chu đáo trước khi làm điều gì đó”.
Bắt đầu cuộc sống digital nomad ra sao?
Khi gặp gỡ Houman, Rosie biết tới cuộc sống du mục kỹ thuật số (digital nomad) và thấy thích thú. Sau một thời gian bên nhau, chàng trai Mỹ đề nghị bạn gái nghỉ việc, về làm chung công ty với anh để thuận lợi hơn cho việc xê dịch. Cô đồng ý vì cho rằng du lịch cùng nhau là cách nhanh nhất để hiểu thêm về nửa kia.
Trong 4 năm bên nhau, Rosie và Houman cùng đặt chân đến Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Mexico, Kazakhstan, Tajikistan, Georgia. Bên cạnh đó, cả hai dành nhiều thời gian ở Việt Nam và Mỹ.
“Mỗi quốc gia, chúng tôi sẽ lưu lại 3-4 tuần, tuỳ theo chính sách nhập cảnh. Một số quốc gia như Thái Lan cho phép ở lâu hơn, hai đứa sẽ ở 5-7 tuần. Có lần ghé thăm Bali (Indonesia) đúng đợt dịch Covid-19, chúng tôi đã ở đây tới 9 tháng. Có những nơi vì quá thích, cả hai đã ghé thăm lại vài lần như Thái Lan, Mexico. Chúng tôi quan trọng là sự trải nghiệm thay vì đi càng nhiều nước càng tốt”, cô gái 28 tuổi nói.
Cặp đôi đang dừng chân tại Georgia - quốc gia xuyên lục địa nằm ở giao điểm của Đông Âu và Tây Á. |
Đang dừng chân ở đâu?
Hiện tại, Rosie và vị hôn phu đang ở thành phố Tbilisi (Georgia).
Hai người chọn đất nước này một phần vì tiện với cung đường đang di chuyển. Thêm vào đó, họ lên kế hoạch ghé thăm nơi đây từ 2 năm trước, nhưng chưa thực hiện được cho đến gần đây.
“Ngoài ra, chính sách nhập cảnh của Georgia khá dễ đối với người Việt. Chúng tôi quyết định ở đây vài tuần”, Rosie cho biết thêm.
Tiêu chí khi chọn điểm đến?
Mỗi nơi đến, Rosie và Houman đều ưu tiên sự an toàn lên hàng đầu, sau đó là chính sách nhập cảnh. Tùy vào thời điểm trong năm, hai người có sự lựa chọn khác nhau.
“Những tháng cuối năm, khi đa phần quốc gia bắt đầu vào mùa đông, chúng tôi ưu tiên đến các nước Đông Nam Á. Hay trong chuyến đi vừa rồi, tôi rất muốn được ngắm tuyết nên chồng đã chọn Kazakhstan - nơi tuyết nhiều và dày đặc đến tận cuối tháng 4. Đồng thời, địa điểm này cũng không yêu cầu visa cho người Việt, mà lại có chuyến bay thẳng từ Nha Trang”.
Nhìn chung, điểm đến mà Rosie và nửa kia “chốt” sẽ hội tụ nhiều yếu tố như sự an toàn, sở thích cá nhân, lịch trình phù hợp, chặng bay dễ dàng, chính sách nhập cảnh đơn giản.
Di chuyển nhiều ảnh hưởng thế nào đến sinh hoạt hàng ngày?
Do đã quen với việc di chuyển nên ở mỗi quốc gia khác nhau, cặp đôi vẫn giữ thói quen hàng ngày như tập thể dục, nấu ăn, đi chợ địa phương. Họ thường mất khoảng 1-2 ngày để ổn định nơi ở mới hoặc quen với thời gian thay đổi. Ngoài ra, sinh hoạt hàng ngày không xáo trộn quá nhiều.
Với một số quốc gia như Thái Lan cho phép ở lâu hơn, Rosie và vị hôn phu sẽ lưu lại 5-7 tuần. |
Trải nghiệm đáng nhớ?
Với Rosie, mỗi nơi đều có vẻ đẹp, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau nên trải nghiệm của từng nơi cũng rất khác. Nhưng có vài trải nghiệm cô khó có thể quên.
Trong 9 tháng ở Bali vì dịch Covid19, nhờ quy định hạn chế khách nhập cảnh, Rosie và vị hôn phu thấy may mắn khi được tận hưởng hòn đảo nguyên bản nhất.
Năm 2022, trong chuyến du lịch Đà Nẵng, cả hai vô tình ở trong tâm của cơn bão lịch sử. Lần đầu tiên trong đời ở trong tình cảnh mưa to, gió lớn, không có điện khiến họ rất sợ hãi, nhưng cũng ấm lòng với sự sẻ chia của người dân nơi đây.
Trải nghiệm gần đây nhất là động đất ở Tajikistan. “Do ở trên tầng cao nhất, mọi sự rung lắc chúng tôi cảm nhận rõ rệt hơn. Dù khá sợ hãi, cả hai nhanh chóng bình tĩnh gom theo vài vật dụng quan trọng như laptop hộ chiếu và nhanh chóng leo thang bộ ra khỏi tòa nhà. Rất may không có thiệt gì”, Rosie kể lại.
Với Rosie và Houman, những chuyến đi rèn luyện cho họ rất nhiều kỹ năng sống để đối mặt với mọi tình huống xảy ra. Nhờ đó, hai người ngày càng cẩn trọng và có nhiều sự chuẩn bị hơn cho từng hành trình.
Khó khăn khi xin visa?
Với cuốn hộ chiếu Việt Nam, việc di chuyển giữa các quốc gia với Rosie vẫn còn khá phức tạp trong chuyện xin thị thực. Tuy nhiên, cô sở hữu visa Mỹ nên phần nào thuận tiện và dễ dàng hơn. Một số đất nước miễn thị thực cho người Việt sở hữu visa Mỹ còn hạn như Mexico, Georgia,...
Đối với Houman, mọi chuyện có phần dễ hơn. Tuy nhiên, hiện tại, anh chỉ được ở Việt Nam 30 ngày nên hy vọng sớm có chính sách mới về việc nhập cảnh cho khách nước ngoài hoặc chính sách gia hạn hợp lý.
Được và mất của lối sống digital nomad?
Với tính chất công việc online, Rosie và Houman mô tả đó là sự tự do một cách có phụ thuộc, ở đây là mạng Internet ổn định. Họ cũng cân nhắc về tốc độ truy cập mạng khi tới địa điểm nào đó.
“Lối sống này cho chúng tôi được nhiều hơn mất. Cả hai có cơ hội trải nghiệm, học hỏi, tận mắt thấy những nơi mà trước đây chỉ ước ao khi nhìn qua tranh ảnh. Chúng tôi cũng được tự do làm điều mình thích, giao lưu và gặp gỡ nhiều người bạn ở mỗi nơi mà mình từng đi qua, tích lũy kinh nghiệm, học thêm về ngôn ngữ, văn hóa khác nhau”, cô gái 28 tuổi kể.
Đôi khi, khó khăn với cặp đôi là thèm đồ ăn Việt và nhớ nhà, gia đình đôi bên.
Nhiều người nghĩ rằng với chi phí đi lại trong vài năm như vậy, Rosie và Houman nên ổn định để mua nhà, xe. Tuy nhiên, họ quan niệm vật chất dễ mua, nhưng tuổi trẻ thì không thể tìm lại. Bởi vậy, cả hai đang cố gắng tận hưởng cuộc sống mình mong muốn khi còn có thể.
Rosie và nửa kia sẽ tiếp tục đam mê xê dịch ngay cả khi có con. |
Kế hoạch trong cuộc sống?
Hiện tại, Rosie ưu tiên hoàn thành việc học thạc sĩ, cũng như quản lý công ty. Về công việc làm chung, cả hai rất hợp và tin tưởng lẫn nhau để cùng phát triển.
Bên cạnh đó, cặp đôi cố gắng đặt chân đến nhiều quốc gia hơn nữa, cũng như chia sẻ thêm nhiều thông tin hữu ích cho mọi người.
Rosie và Houman rất thích trẻ con, nên dự định có em bé trước năm vợ 30 tuổi. Tuy nhiên, họ không đặt nặng vấn đề này.
Hiện tại, thông qua những nơi từng sống, cặp đôi xem mình hợp và thích ở đâu nhất để cân nhắc định cư sau này.
“Trước mắt, hai đứa cố gắng tập trung cho công việc để chuẩn bị cho mọi thứ ổn định và thuận tiện hơn cho việc quản lý khi có con sau này”, Rosie nói.
Vốn thích xem tin tức về những em bé đi du lịch với gia đình từ khi còn rất nhỏ, Rosie và Houman dự định khi có con sẽ để bé cứng cáp và đồng hành trong những chuyến đi. Đây sẽ là cơ hội để bé gần gũi với thiên nhiên từ sớm và phát triển khỏe mạnh hơn.
Lời khuyên cho mọi người?
Rosie cho rằng việc làm freelance (tự do) hay làm online thời nay rất phổ biến. Lối sống này giúp cô ít áp lực và tự do, thoải mái hơn. Tuy nhiên, để theo đuổi, mỗi người cũng cần rất nhiều nghị lực.
“Mình sẽ phải tự chủ trong mọi việc và quyết định một tháng thu nhập bao nhiêu. Bên cạnh đó, việc cân bằng, quản lý thời gian cũng rất quan trọng. Bởi theo đuổi những chuyến đi, chúng ta có thể dễ dàng xao lãng, dẫn đến làm việc không hiệu quả”, cô nói.
Thêm vào đó, theo Rosie, trước khi bước vào lối sống digital nomad, các bạn trẻ nên trang bị nền tảng ngoại ngữ vững chắc để tìm được công việc hay dự án tốt.
“Tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ xung quanh đã bắt đầu hành trình digital nomad này. Họ làm từ các công việc freelance, chỉnh sửa video, thiết kế đồ họa hay hợp tác với các công ty công nghệ lớn. Chỉ cần trang bị thêm các kỹ năng về giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý thời gian và vốn tiếng Anh thì chắc chắn sẽ theo đuổi được lối sống này”, cô kết luận.
Chàng IT Việt ở Nhật du lịch một mình tới 25 quốc gia, 5 châu lụcRời bỏ công việc ổn định ở tuổi 25, Nguyễn Hữu Quyên ra nước ngoài làm việc để có thể thỏa đam mê xê dịch. Trong 5 năm, anh đặt chân tới 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Nhớ sống hạnh phúc nhé!
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.