Sự xuất hiện biến thể Omicron đang đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó các nước nghèo dễ bị tổn thương nhất. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Sự xuất hiện biến thể Omicron đang đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó các nước nghèo dễ bị tổn thương nhất. Cảnh báo nguy cơ nền kinh tế của một số quốc gia có thể bị sụp đổ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi các nước phát triển thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mở rộng Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI), nhằm san sẻ “gánh nặng nợ nần” của các nước nghèo.
Các nước nghèo phải đối mặt với áp lực tài chính và cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bùng phát và chính sách tăng lãi suất trước tình hình lạm phát gia tăng. Nhiều quốc gia có thể bị nhấn chìm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nếu không nhận được sự hỗ trợ. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva (C.Gioóc-giê-va) bày tỏ lo ngại nền kinh tế của một số quốc gia có thể sụp đổ nếu các nước G20 không nhất trí đẩy nhanh việc tái cấu trúc hoặc hoãn thanh toán nợ cho các nước nghèo, ngoài ra các chủ nợ tư nhân cũng cần đưa ra biện pháp cứu trợ. Theo người đứng đầu IMF, nếu không gia hạn thực hiện DSSI, thách thức từ các khoản nợ sẽ tăng áp lực lên nhiều quốc gia, nhất là các nước có thu nhập thấp.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm 2020 và gây tác động nặng nề lên các nước nghèo, cản trở nỗ lực của các chính phủ trong việc trả các khoản nợ và hỗ trợ người dân, G20 đã khởi xướng DSSI nhằm cho phép hoãn thanh toán nợ đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Sáng kiến này dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm 2021 sau khi đã được gia hạn một năm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron là lời cảnh báo rõ ràng rằng, đại dịch vẫn sẽ tồn tại lâu dài. Trong bối cảnh các nước nghèo vừa oằn mình gánh nợ, vừa phải đối phó tác động nghiêm trọng của đại dịch, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đã hối thúc các quốc gia cho vay hành động nhiều hơn để giúp giải quyết “gánh nặng nợ nần” ngày càng lớn. Theo ước tính của WB, các khoản nợ ở các nước nghèo đã tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020 trong giai đoạn đại dịch. Bà Georgieva cho biết, khoảng 60% các nước có thu nhập thấp đang đối mặt với nguy cơ hoặc đang gặp khó khăn về thanh toán nợ.
Biến thể Omicron làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng và giảm nhu cầu, theo đó có nguy cơ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện của Omicron đã làm chao đảo thị trường tài chính và khiến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ siết chặt hoạt động đi lại. Nhiều nước đã tạm thời “cấm cửa” đối với công dân đến từ một số nước châu Phi. Trong khi đó, các hãng hàng không lớn nhanh chóng hạn chế hành khách từ khu vực miền nam châu Phi.
Theo Fitch Ratings, còn quá sớm để đưa tác động của biến thể Omicron vào dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, cho đến khi giới khoa học nắm rõ hơn về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của biến thể này. Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới này cho rằng, lạm phát gia tăng sẽ gây phức tạp cho các phản ứng kinh tế vĩ mô, nếu biến thể mới cản trở tăng trưởng kinh tế. Với tình hình lạm phát gia tăng tại các nền kinh tế lớn, các ngân hàng trung ương đang rút lại các biện pháp kích thích kinh tế và dự kiến nâng lãi suất vào năm tới. Ðiều này sẽ làm tăng chi phí nợ đối với các quốc gia nghèo và có khả năng dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi các nước này.
Nếu biến thể Omicron dẫn đến một đợt bùng phát Covid-19 mới, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng thấp, phụ thuộc nhiều vào du lịch và có ít năng lực hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ để bù đắp cho tác động ngày càng gia tăng của làn sóng lây nhiễm. Ðây chính là nỗi lo lớn của các nước nghèo.
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tags: Viet Nam,
giao duc,
xa hoi,
kinh te,
the thao,
phap luat,
Báo Khánh Hòa điện tử,
bao Khanh Hoa,
bao Khanh Hoa dien tu,
the gioi,
van hoa,
khoa hoc,
cong nghe,
vien thong,
bong da,
giai tri,
suc khoe,
xe may,
nha dat,
o to,
tong hop tin tuc,
bao moi,
dien dan,
ban doc,
truc tuyen,
vckm,
cms,
vsolutions