Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Ba tôi

Thứ ba - 11/10/2022 11:44
Ba tôi là một người rất khó tính với con cái. Trong lòng ông không biết thế nào chứ thể hiện ra bề ngoài thì ông chẳng mấy hài lòng với đứa con nào cả, trừ cô con gái kế út. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Ba tôi là một người rất khó tính với con cái. Trong lòng ông không biết thế nào chứ thể hiện ra bề ngoài thì ông chẳng mấy hài lòng với đứa con nào cả, trừ cô con gái kế út.


Ông dạy các con từ lời ăn tiếng nói, đi thưa về trình với ba mạ, phải phép tắc ngoan ngoãn với người lớn, sống có đạo đức, phải chăm học hành, phải chịu khó chịu khổ như người ta…; ông dạy bằng lời giảng về đạo đức, chính trị, dạy bằng roi vọt. Đến năm con 14 tuổi thì ông không đánh nữa, nhưng chúng tôi thấy khó chịu hơn nhiều. Lắm khi mạ tôi thấy con tội nghiệp, nói ông tha cho nó thì ba tôi trừng mắt bà để im cho tôi dạy con. Thế là mạ tôi ngồi chảy nước mắt. Nhưng rồi mấy đứa con thà bị roi vọt còn hơn bị ông ba bắt ngồi trước mặt để nghe dạy dỗ có khi hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi là người phản kháng đầu tiên, một hôm tôi mếu máo nói “ba cứ đánh con đi, nói chính trị hoài con nhức đầu chịu không nổi”, thế là ông im bặt, nhìn tôi một lúc, không nói gì, bỏ ra vườn ngồi. Từ đó, tôi rất sợ ba.


Mấy anh em tôi cũng như bao đứa trẻ khác, bước sang ngưỡng cửa người lớn là muốn vỗ cánh bay đi để thử thách với đời, nhưng cũng có một chút khác nữa là chúng tôi muốn thoát ly sớm ra khỏi nhà đón bầu trời tự do, thoát khỏi sự kèm cặp của ba.


Thế rồi, ra đời tự lập, vật lộn với biết bao là chướng ngại có tên và không tên thì nhớ lại sự răn dạy của ba, cố gắng vượt qua và từng bước trưởng thành. Những lúc đó nhớ thương, biết ơn ba vô cùng. Khi đã trưởng thành mới thấy những điều ba tôi nói ra toàn đúng. Ông là học trò thời Pháp, vẫn còn nhớ tiếng Pháp, bài hát Pháp, biết dịch gia phả chữ Hán, có kiến thức đông tây kim cổ, nói chuyện với người có chuyên môn đôi khi cũng hợp. Bạn bè tôi thích ông lắm. Tôi hãnh diện về điều đó.


Nhưng tính ông bộc trực hay nói thẳng, đôi lúc có chút cực đoan nên một số người trong họ hàng hầu như không ưa, nhất là các dịp giỗ chạp. Mỗi lần giỗ, gặp mùa rét, nhang mới tàn quá nửa ông đã bảo dọn xuống ăn cho nóng; còn mùa hè thì ông nói dọn xuống ăn cho khỏi ruồi bởi mùa mít chín ở quê cũng là mùa... ruồi. Có người trong họ phản ứng, ông nói sống không cho cha mẹ ăn miếng ngon, chết thì dọn chi đầy mâm, đầy bàn; ta giỗ là để con cháu nhớ đến tổ tiên, họ hàng mình có người đã khuất, còn nếu giỗ cho ông mệ về ăn thì không ai dám giỗ nữa, trái đất này không đủ lương thực, thực phẩm để nuôi cả người sống lẫn người chết.


Tuy nói vậy và không biết ông nghĩ về cõi âm thế nào, nhưng là nhân vật chủ chốt trong họ, đến ngày mất của người thân, ông đều làm đám giỗ trong bầu không khí linh thiêng đến lạ. Ông bắt mấy anh chị em tôi dứt khoát phải mang áo quần sơ mi chỉnh tề đứng sắp hàng hai bên bàn thờ, không được nói cười để nghe ông khấn. Ông coi đây là dịp để dạy cho con cháu bài học phải nhớ đến nguồn cội, phải yêu thương, chăm sóc người đang sống cho tốt.


Nhớ ngày ba tôi chuẩn bị đi. Biết ông mệt nhưng do công tác, tôi ở tận Nha Trang đâu có dễ chạy về thăm. Suốt mấy ngày liền, trong người tôi cứ bần thần, đôi khi ruột nóng như lửa, đứng ngồi không yên. Nghĩ chắc có chuyện gì. Chiều hôm sau, nhà đang ăn cơm thì một cậu cùng ở Tỉnh đoàn với tôi gọi cổng. Cậu ấy nói ở quê điện thoại vào nhờ cơ quan nhắn dùm ba tôi sắp mất, về gấp cho kịp nhìn mặt.


Tàu hỏa thời đó chạy cà rịch cà tang, hai hôm sau tôi mới về được tới quê. Bước vào cổng, chó sủa ran cả xóm, nghe tiếng ba tôi nói bà ơi ra mở cổng, con nó về rồi. May mắn gặp ông lúc đang còn tỉnh táo, chăm sóc được ông trong những ngày cuối đời. Những ngày ông bệnh là những ngày trời mưa to như trút nước. Nhà tôi vách ván gỗ, gió từ ngoài sông thổi vào các kẽ hở, lạnh căm căm. Áo quần của ông phải hong khô bằng lửa than mới kịp thay. Ông nằm đó, ít nói hơn trước, chỉ thỉnh thoảng hay hỏi tôi hôm nay là ngày mấy âm lịch, nhưng đầu óc ông thì vẫn minh mẫn và trực tính như thường ngày. Khi ông anh họ mình đang ba hoa ý tưởng sẽ làm kinh tế bằng cách nuôi ốc bươu vàng trong các bể xi măng với bọn tôi thì ông từ buồng trong nói vọng ra “ôi dào cái thằng này, mày già rồi mà vẫn không sửa được cái tật bốc phét”. Anh họ tôi tái mặt, nín bặt, lườm vào.


Tối cận rằm tháng chín năm đó, dưới ánh đèn dầu leo lét, ông gọi vợ con lại dặn dò những việc cần làm cho tang lễ của ông; nói vài lời với đứa con gái đầu; anh trai của tôi đang học bên Liên Xô không về kịp thì ông nói “thằng này theo Goocbachop rồi”; riêng tôi thì ông cầm tay dặn cố gắng công tác cho tốt nghe con. Cuối cùng, ông xin lỗi ông Cừ hàng xóm về những điều hai nhà lâu nay chưa thông cảm cho nhau, ông láng giềng rơm rớm nước mắt nói chú cứ yên tâm mà ra đi cho thanh thản. Xong những điều cần nói thì ông nhắm mắt, ra đi bình lặng như một giấc ngủ quên.


Giờ ông đã về trời, để lại cho anh chị em chúng tôi nỗi day dứt về việc nhiều lúc chưa thuộc bài làm NGƯỜI mà ba đã dạy.


. Truyện ngắn của Phùng Nguyên Mỹ


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp