Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Lời hẹn số 9

Thứ tư - 25/01/2023 07:27
Quán nằm nép trong hẻm sâu. Tán cây trứng cá lòa xòa chờm ra mặt đường nên nếu không tinh ý khách sẽ không biết. Đó là căn nhà gỗ nhỏ, xinh xắn có gác lửng nhô lên sau tàng cây và bụi hoa giấy. Bảng hiệu chỉ là một số 9 viết trên tấm bảng gỗ đã bạc phếch màu thời gian và đôi chỗ đã lấm tấm vệt rêu xanh. Chữ số 9 màu nâu đỏ cũng lam nham màu xám mốc. Quán thường vắng khách, chỉ có một bà cụ già tóc bạc phơ trông coi quán. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Lời hẹn số 9

Quán nằm nép trong hẻm sâu. Tán cây trứng cá lòa xòa chờm ra mặt đường nên nếu không tinh ý khách sẽ không biết. Đó là căn nhà gỗ nhỏ, xinh xắn có gác lửng nhô lên sau tàng cây và bụi hoa giấy. Bảng hiệu chỉ là một số 9 viết trên tấm bảng gỗ đã bạc phếch màu thời gian và đôi chỗ đã lấm tấm vệt rêu xanh. Chữ số 9 màu nâu đỏ cũng lam nham màu xám mốc. Quán thường vắng khách, chỉ có một bà cụ già tóc bạc phơ trông coi quán.

 

Ảnh: THÀNH AN

Ảnh: THÀNH AN


Hôm đó mới tầm hơn 7 giờ quán đã có vị khách đầu tiên. Một phụ nữ dáng người rắn rỏi khỏe mạnh trong bộ quần áo nỉ thể thao hai màu đen trắng. Chị có đôi chút hồi hộp vì quán không tên, chỉ có bảng số 9 làm lay động kỷ niệm trong chị. Bà chủ quán nhìn và biết ngay đó là khách du lịch. Chị bước vào quán, đưa mắt nhìn rồi đến ngồi bên chiếc bàn kê phía xa trong góc sân, nơi có thể nhìn xuống thung lũng với những cánh đồng hoa và rau sạch được che lưới cẩn thận. Đứa cháu trai bà chủ quán đến bên hỏi chị uống gì. Chị dừng thổi hai bàn tay ửng đỏ vì lạnh lên và dịu dàng:


- Cho cô một ly cà phê sữa nóng nha.


Cậu bé từ từ quay vào trong gian bếp, nói với bà như có chút tò mò:


- Cô ấy gọi cà phê sữa nóng bà ạ, chắc là khách xa.


Bà cụ nhìn cháu bằng ánh nhìn bao dung. Ở thành phố này, đa số du khách đến thường dậy muộn, trừ một số thanh niên đi săn mây. Vậy nên việc vị khách đến sớm mà có một mình cũng là hơi lạ. Bà lặng im pha. Và rồi khi đứa cháu bưng phin cà phê ra đặt bên bàn, bà lại lúi húi với mấy hũ mứt quả của mình.


Tâm là nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở thành phố phía bắc. Cô đến đây với một lời hứa với mối tình đầu của mình. Mối tình với người bạn từ thời mẫu giáo trường làng, suốt đến khi học xong đại học. Đã nhiều lần họ hẹn khi cưới nhau sẽ đến thành phố này. Tâm ngả đầu trên vai Tuấn, thủ thỉ:


- Em muốn đến đó, chúng mình sẽ chọn một quán cà phê nào có view đẹp, mà vắng thôi. Rồi chúng mình sẽ ngồi uống cà phê và ngắm thành phố đêm về anh há. Đúng ngày 9 tháng 9, ngày sinh của em và ngày mình quen nhau, em sẽ đến một quán nhỏ, sẽ chọn bàn số 9 để ngồi. Rồi khi người khách đi một mình số 9 bước vào quán, em sẽ mời người ấy đến ngồi cùng. Nếu nhỏ tuổi hơn thì sẽ là em của em, bằng tuổi sẽ là bạn, còn hơn tuổi sẽ là anh là chị của em…”. Khi đó anh đã khẽ véo cái mũi của cô rồi cười:


- Trời ơi! Em đúng là trẻ con!


- Kệ! Em cứ trẻ con đấy! Thì sao? Trẻ con thích mà! Cô ngúng nguẩy nói vậy rồi cũng cười khúc khích và càng vòng tay ôm chặt anh hơn.


Vậy mà khi ra trường, cả hai bên gia đình muốn hai người làm đám cưới thì Tuấn lại đi du học ở nước ngoài. Cô tuy không ngăn anh nhưng thực lòng thấy buồn. Cô muốn về làm ở quê, thị trấn nhỏ nhưng cuộc sống khá sôi động và có cơ hội phát triển trong khi anh khăng khăng phải đi để “đến những chân trời rộng lớn”. Thực ra anh có một ý định mà chưa muốn nói cho cô biết: Anh sẽ sang trước, khi ổn định rồi sẽ đón cô sang. Anh mơ ước cuộc sống sung túc như Khải, người bạn cùng lứa với mình ở quê. Khi đang học lớp 12, có một công ty nước ngoài đến phỏng vấn đi du học diện vừa học vừa làm. Khải tham gia và đạt. Sau mấy tháng học tiếng thì được tuyển đi. Đâu chừng năm sau là Khải đã bắt đầu gửi tiền về cho gia đình. Rồi lần lượt đón thêm hai đứa em sang. Tuấn cũng muốn được như Khải. Và anh tin là với sức trẻ và độ “lì” thì mình sẽ thích nghi và phát triển được cuộc sống nơi xứ người. Thế nhưng sang rồi anh mới biết mọi sự không đơn giản. Căn bệnh viêm xoang cũng khiến sức khỏe anh ảnh hưởng. Phải gần hai năm anh mới thích nghi được khí hậu và nhịp độ gấp rút của việc học - thư viện - phòng thí nghiệm và… làm thêm ở một trang trại nấm linh chi. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ người yêu lắm, anh gọi video cho bố mẹ, cho Tâm, và đành tự nhủ với mình “Gắng thêm chút! Gắng thêm chút!”. Đã 8 năm trôi qua, anh vẫn chưa về. Lời hứa về lần đến thành phố với những số 9 của cô dần ít được nhắc đến hơn trong những cuộc gọi video call của hai người. Năm nay, Tâm quyết định một mình vẫn đi đến đây để thực hiện điều đã định, dù nghe có vẻ hơi “điên rồ” như cô bạn cùng phòng nói.


Đắm mình trong kỷ niệm cũ, Tâm sực tỉnh khi có tiếng lao xao của nhóm khách vào quán. Đó là mấy cô cậu học sinh cấp 3 thì phải. Họ ngồi bên chiếc bàn có ghế xích đu và mấy chiếc gối ôm hình thỏ thật xinh. Mấy cô bé nói cười rộn rã. Không khí quán dường như bừng sáng hơn nhờ những âm thanh và gương mặt trẻ trung đó. Nhóm thứ hai bước vào. Có vẻ một hội nhóm họp lớp. Tầm gần hai chục người cả đàn ông đàn bà bước vào quán và mang theo sự ồn ào. Chú bé lễ tân chạy không kịp khi họ thi nhau gọi đồ uống. Chừng nửa tiếng, khi ai cũng đã có món mình chọn thì họ bắt đầu ngồi hát và đàn. Tâm nhìn quanh, cô khẽ mỉm cười một mình khi nhớ đến cái số 9 của mình ngày xưa. Mình đúng là trẻ con thật. Đúng lúc đó cậu bé từ góc quán bước ra. Cậu bưng bình trà, chắc để chêm thêm nước cho khách ở các bàn. Tâm nghĩ thế và nhìn theo những bước chân nhanh nhẹn của cậu bé đang đến góc sân phía đối diện, nơi có cây sa kê tỏa bóng rợp và đôi nhánh hoa giấy từ bên hiên nhà rủ xuống. Bỗng như có gì lóe lên trước mắt Tâm. Chị dụi mắt nhìn lại lần nữa. Số 9. Có chiếc bàn số 9. Làn gió thổi tán cây xao động, lộ ra số 9 đỏ chói trên tấm bảng gỗ đặt trên bàn. Tâm nhìn chằm chằm vào số đó…


- Cô ơi! Cái bàn đó có người đặt rồi. Cô có muốn đổi không ạ?


Cậu bé đã đến ngay sau lưng và cất tiếng hỏi. Tâm khẽ xoay người lại nhìn cậu. Đôi mắt cậu nheo nheo trong bóng nắng và ánh mắt sáng long lanh.


- Thôi, có người đặt rồi thì thôi cháu. Cô…


- Thì mời cô ngồi cùng đi.


Có tiếng nói phía sau. Tâm quay lại và sững sờ. Tuấn đang đứng nhìn chị. Miệng anh mỉm cười, ánh nắng hắt xuống sáng lòa cả khoảng vai và mái tóc của anh.


- A..anh…Anh…Tự dưng Tâm lắp bắp.


- Anh đây! Chị chỉ nghe thấy anh thốt lên hai từ đó, rồi chị cũng không biết mình đã chạy đến hay anh bước tới, chỉ biết khi ngước lên chị đã thấy mình ở gọn trong vòng tay anh.


- Anh! Anh về khi nào? Sao không báo cho em biết? Tâm ngượng ngùng rời khỏi tay anh và khẽ thì thầm. Chị nhìn quanh. Cậu bé lễ tân đã đi vào sau hiên nhà.


- Anh chưa về nhà. Anh bay thẳng về đây. Vì anh biết đúng ngày 9 này, có cô bé sẽ đến để tìm quán số 9, bàn số 9… Hi hi!


- Xí! Không chọc quê nhau nha.


Chị nói và cũng mỉm cười. Bàn tay anh siết chặt bàn tay chị. Họ nhìn vào mắt nhau, say đắm nồng nàn.


 Đã mười giờ. Mặt trời lên cao hơn. Quán đã thưa vắng khách. Hai người cũng đi ra cửa quán để về khách sạn. Chị bước lên xe, anh nói như sực nhớ ra:


- Chờ anh chút. Anh quay ra ngay thôi!


Anh hối hả bước vào khoảng sân quán khi đó chỉ còn vài người khách. Anh đảo mắt nhìn quanh. Thoáng băn khoăn rồi dợm quay ra. Đúng lúc đó chú bé xuất hiện. Chú cười lém lỉnh:


- Chú! Chú kiếm con ạ?


- Ừa, chú cảm ơn con nha!


- Dạ, không có chi. May mà con có sẵn miếng gỗ và ít màu vẽ nên chú viết bàn số 9 thật nhanh. Mà sao chú làm vậy ạ? Số 9 có liên quan gì đến cô ấy ạ?


- À, cô ấy sinh ngày mùng 9, và thích số 9. Với lại khi nào cháu lớn hơn và có bạn gái rồi cháu sẽ hiểu. Giờ thì chú cảm ơn và hẹn cháu khoảng này năm sau nha.


- Năm sau? Năm sau chú sẽ đến đây? Thật không chú?


- Thật! Chú quyết định về đây làm việc rồi. Ở bên đó, điều kiện tốt hơn nhưng cũng vất vả lắm, nhất là thiếu không khí gia đình. Với lại bây giờ Việt Nam mình đang có nhiều cơ hội cho mọi người phát triển kinh tế, học tập. Với chú, có quê nhà, có người thân, có cô ấy, có cháu và quán số 9 này là nhất rồi. Cháu chịu khó học tốt đi, chú sẽ khởi nghiệp ở đây. Biết đâu rồi sau này chú cháu cùng làm việc với nhau cũng nên.


- Thật nha chú! Cháu sẽ cố gắng học để sau này được làm việc cùng chú ở chính nơi đây.


Cậu bé nói như reo và ôm choàng ngang hông anh. Anh cũng cười, bắt tay cậu bé rồi quay ra phía cổng, nơi chị đang đợi. Nắng gió vẫn thổi dào dạt những nhành hoa ở mái hiên và triền đồi lô xô.


. Truyện ngắn của Bích Thiêm



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp