Quan tâm phát triển đời sống văn hóa

Thứ ba - 15/03/2022 11:55
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2022-2026. Với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đây là hy vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ để phát triển phong trào theo chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Quan tâm phát triển đời sống văn hóa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2022-2026. Với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đây là hy vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ để phát triển phong trào theo chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực.

Tập trung 5 nhóm nhiệm vụ


Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh hơn 20 năm nay, qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng thôn, khu phố văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao từng bước phát triển và hoàn thiện; cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; nhiều hủ tục dần được xóa bỏ, các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh được gìn giữ… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 90% trong tổng số 982 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; hơn 95% khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn trật tự địa phương.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh biểu diễn đánh mã la. Ảnh minh họa

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh biểu diễn đánh mã la. Ảnh minh họa


Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong 4 năm tới, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm nội dung trọng điểm gồm: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu, khu dân cư văn hóa tiêu biểu; thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ.


Theo ông Trần Gia Văn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, để thực hiện hiệu quả những nhóm nội dung trên, các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, đề cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào ở các cấp; đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo phong trào các cấp; quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí ở nông thôn. Cùng với đó, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong thực hiện phong trào; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng tổ chức thực hiện cho Ban chỉ đạo các cấp; đổi mới công tác tham mưu trong việc ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển phong trào.


Xây dựng các tiêu chí cơ sở vật chất


Theo định hướng phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của TP. Nha Trang, đến năm 2025, thành phố phấn đấu có 85% hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 70% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 100% phường đạt chuẩn văn minh đô thị...


Bà Bùi Thị Song Na - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết, đến hết năm 2022, địa phương phấn đấu có 95% gia đình văn hóa; 85% thôn, tổ dân phố văn hóa; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 17/20 xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định xã nông thôn mới…


Từ tình hình thực tế ở các địa phương, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu đối với cấp tỉnh; vùng đồng bằng; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, đến năm 2026, ở cấp tỉnh phải đảm bảo triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh; hoàn thành dự án đầu tư và phát triển Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện số; thực hiện số hóa tài liệu, hiện vật ở Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh. Đối với vùng đồng bằng, có 85% gia đình giữ vững danh hiệu văn hóa; 85% thôn, tổ dân phố giữ vững danh hiệu văn hóa; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa… Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chỉ tiêu về gia đình, thôn, tổ dân phố giữ vững danh hiệu văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 85%. Riêng chỉ tiêu thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị phấn đấu đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, còn có một số chỉ tiêu cụ thể về cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thể thao của cấp huyện, cấp xã.


Ông Trần Gia Văn cho biết: “Trong những năm tới, việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa sẽ chú trọng gắn kết với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Từ đó góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh”.


Giang Đình

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp