Ngày 19-10, HĐND tỉnh Khánh Hòa ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích Phủ đường Ninh Hòa (số 999 đường Trần Quý Cáp, thị xã Ninh Hòa). Như vậy, sau thời gian dài rơi vào tình trạng xuống cấp, di tích lịch sử cấp quốc gia này đã được quan tâm sửa chữa để tiếp tục phát huy giá trị trong thời gian tới. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Ngày 19-10, HĐND tỉnh Khánh Hòa ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích Phủ đường Ninh Hòa (số 999 đường Trần Quý Cáp, thị xã Ninh Hòa). Như vậy, sau thời gian dài rơi vào tình trạng xuống cấp, di tích lịch sử cấp quốc gia này đã được quan tâm sửa chữa để tiếp tục phát huy giá trị trong thời gian tới.
Công trình lịch sử 200 năm
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, từ thời vua Gia Long đến Minh Mệnh năm thứ 1 (1820), Phủ đường Ninh Hòa là trụ sở hành chính huyện Tân Định. Đến thời Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), nơi đây được xây dựng lại với quy mô khang trang, tương xứng là trụ sở hành chính cấp huyện: “Lị sở huyện Tân Định, chu vi 40 trượng linh, rào bằng chông chà, ở xã Thịnh Mỹ trong huyện, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 12”. Về cơ bản, di tích này là trụ sở chính trị của huyện Tân Định. Đến năm 1931, huyện Tân Định và 3 tổng của huyện Quảng Phước được sáp nhập thành Phủ Ninh Hòa, nên huyện đường Tân Định trở thành Phủ đường Ninh Hòa.
Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc có dạng hình chữ nhật với 4 cạnh là tường hồi bít đốc, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Di tích được kết cấu theo mô típ nhà truyền thống của vùng đồng bằng Khánh Hòa theo kiểu 3 gian 2 chái. Riêng phần tường phía trước hiên và phần mái trang trí theo mô típ cấu trúc thành cổ ở cố đô Huế - lối kiến trúc truyền thống của thời Nguyễn. Nhờ vậy, di tích vừa có nét cổ kính, vừa có sự trang nghiêm mang tính chất một công đường. Di tích này từng có nhiều công trình xây dựng đi cùng, tuy nhiên do những biến động về lịch sử, xã hội nên đến nay chỉ còn ngôi nhà chính đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận di tích lịch sử quốc gia vào năm 2000.
Hiện nay, di tích Phủ đường Ninh Hòa nằm trong khuôn viên của UBND thị xã Ninh Hòa. Qua tìm hiểu, nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng như: Phần mái lợp ngói âm dương bị trượt, rơi, bể hỏng làm thấm dột; cầu phong, xà gồ bằng gỗ bị mối mọt, mục gãy, cong vênh; hệ kèo, giằng, trụ, cửa, khung vách bằng gỗ bị mối mọt; tường nhà bị nứt, gạch bị mục, bong tróc, rêu mốc; nền nhà sụp lún, bong tróc… Cảnh quan xung quanh ngôi nhà cũng bị hư hỏng nhiều hạng mục, cần được bổ sung, tôn tạo để trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn. “Việc đầu tư tu bổ di tích Phủ đường Ninh Hòa rất cần thiết nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, cũng như tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau”, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Sẽ tu bổ trong quý I/2022
Dự án tu bổ di tích Phủ đường Ninh Hòa do Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong quý I/2022 và đến quý IV/2022 sẽ tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Việc tu bổ di tích dựa trên nền móng hiện trạng, không làm thay đổi kiến trúc, công năng sử dụng hiện có của công trình và hiện trạng của khu đất. Được biết, năm 2005, di tích này từng được tu bổ nhưng vẫn giữ gìn kết cấu của công trình như vốn có, với chức năng của một công đường. Đến năm 2010, để phục vụ hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, ngành Văn hóa đã tiến hành sưu tầm, phục chế và phục dựng lại các hiện vật, hình ảnh trưng bày bên trong Phủ đường Ninh Hòa.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, từ năm 2019 trở về trước, tại Phủ đường Ninh Hòa thường xuyên diễn ra hoạt động tham quan của các trường học. Các lớp bồi dưỡng đảng viên mới của thị xã luôn có một buổi đến tìm hiểu về Phủ đường Ninh Hòa. Sắp tới đây, khi việc tu bổ di tích được hoàn thành sẽ giúp cho điều kiện vật chất ở đây khang trang hơn. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân và học sinh. Địa phương cũng đã có kế hoạch thực hiện tuyến tham quan các di tích cấp quốc gia trên địa bàn gồm: Phủ đường Ninh Hòa - Lăng Bà Vú - Điểm lưu niệm Tàu C235.
Di tích Phủ đường Ninh Hòa gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với những ý nghĩa lịch sử, văn hóa to lớn, việc tu bổ Phủ đường Ninh Hòa càng thể hiện sự quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
Giang Đình
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tags: Viet Nam,
giao duc,
xa hoi,
kinh te,
the thao,
phap luat,
Báo Khánh Hòa điện tử,
bao Khanh Hoa,
bao Khanh Hoa dien tu,
the gioi,
van hoa,
khoa hoc,
cong nghe,
vien thong,
bong da,
giai tri,
suc khoe,
xe may,
nha dat,
o to,
tong hop tin tuc,
bao moi,
dien dan,
ban doc,
truc tuyen,
vckm,
cms,
vsolutions