Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam

Thứ hai - 23/01/2023 04:27
Thông tin từ gia đình nhà thơ Giang Nam cho biết, lúc 9 giờ 45 phút, ngày 23-1-2023 (tức mùng 2 tháng Giêng năm Quý Mão), tác giả bài thơ Quê hương cùng nhiều tác phẩm thi ca nổi tiếng khác đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 94 tuổi. Nhà thơ Giang Nam đã sống và cống hiến trọn đời cho con đường cách mạng, con đường thơ ca của đất nước, dân tộc mà ông đã lựa chọn. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam
Thông tin từ gia đình nhà thơ Giang Nam cho biết, lúc 9 giờ 45 phút, ngày 23-1-2023 (tức mùng 2 tháng Giêng năm Quý Mão), tác giả bài thơ Quê hương cùng nhiều tác phẩm thi ca nổi tiếng khác đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 94 tuổi. Nhà thơ Giang Nam đã sống và cống hiến trọn đời cho con đường cách mạng, con đường thơ ca của đất nước, dân tộc mà ông đã lựa chọn.
 
Trọn đời với sự nghiệp văn hóa
 
- Nhà thơ Giang Nam đã được nhận Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; và nhiều thành tích xuất sắc khác. 
- Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Giang Nam đã để lại cho đời 7 tập thơ; 2 tập trường ca; 4 tập truyện ngắn, bút ký; 1 tập hồi ký văn học. Trong đó, có gần 20 bài thơ viết về Bác Hồ. Năm 2001, nhà thơ Giang Nam được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với 3 tập thơ Quê hương - Hạnh phúc từ nay - Thành phố chưa dừng chân. 
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2-2-1929 trong một gia đình nhà Nho yêu nước, tại làng Bình Trị, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hoà, tỉnh Khánh Hòa (nay là làng Bình Trị, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hoà. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, dưới thời Pháp thuộc, sau khi học xong bậc Tiểu học tại quê nhà, ông ra học tại trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ bằng Thành chung. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ở tuổi 16, nhà thơ Giang Nam bắt đầu tham gia kháng chiến. Ban đầu ông công tác ở Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã Hoà Dũng (huyện Ninh Hòa) với cương vị cán bộ, rồi Trưởng ban Thông tin. Sau ông được chuyển về làm cán bộ phòng Văn hóa Thông tin huyện Ninh Hòa. Trong khoảng thời gian này, nhờ khả năng làm thơ đăng báo mà nhà thơ Giang Nam được Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Khánh Hòa đưa về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin ở chiến khu Hòn Dữ. Trong những năm hoạt động ở chiến khu Hòn Dữ, nhà thơ Giang Nam đã cùng với các ông Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung là những người lãnh đạo đầu tiên của tờ Báo Thắng – tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay. Bút danh Giang Nam cũng được ra đời trong thời gian này. Khi vào năm 1948, Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương “Tiến về làng” nhằm kêu gọi cán bộ về lại với dân. Để tuyên truyền cho chủ trương này, trên tờ Báo Thắng, ông Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, Chủ nhiệm đầu tiên của tờ Báo Thắng có bài xã luận “Tiến về làng” đăng trên trang nhất, bên cạnh đó in 4 câu ca dao của nhà thơ Giang Nam: “Khói ai phơ phất bên đèo/Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không?/Quê làng người đợi kẻ trông/Sao anh chưa xuống núi, để em trông ngày ngày”
 
Nhà thơ Giang Nam lúc sinh thời.
Nhà thơ Giang Nam lúc sinh thời.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhà thơ Giang Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của một người chiến sĩ văn hóa. Ông gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp văn hóa của đất nước, của tỉnh Khánh Hòa. Trong những năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhà thơ Giang Nam và một số cán bộ, đảng viên sống hợp pháp đã cùng với nhân sĩ trí thức xuất bản báo Gió Mới (do đồng chí Hồng Nhật làm chủ bút). Báo ra hàng tháng, được phát hành ở Khánh Hòa, Sài Gòn. Thời kỳ 1956-1959, giai đoạn cách mạng Miền Nam gặp nhiều khó khăn, nhà thơ Giang Nam lợi dụng báo chí công khai ở Nha Trang, Sài Gòn để kín đáo ngợi ca kháng chiến, chống âm mưu chia cắt đất nước với các bút danh Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh. Năm 1959, ông được điều động về chiến khu Khánh Hoà làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Khánh Hòa. Cuối năm 1961, ông được điều về phụ trách bộ phận văn hóa văn nghệ của Ban Tuyên huấn Khu 6 (gồm các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và một phần Đắc Lắc). Năm 1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam thành lập, ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng Thư ký Hội, kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng và Uỷ viên Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định. Cuối năm 1977, khi tờ báo này sáp nhập với tờ Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), ông là Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 và 3, Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ (1978-1980), Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn (1981-1983), Thường trực Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam; Đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khoá 6 (1976-1981). Sau đó, vì nhu cầu công tác, ông được điều về tỉnh Phú Khánh rồi Khánh Hòa, tham gia Ban vận động thành lập và là thành viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, rồi Khánh Hòa (1984-1989); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (1989-1993) phụ trách mảng Văn xã. Sau khi về hưu, ông tham gia tích cực vào nhiều tổ chức hội như: Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin; Hội UNESCO tỉnh Khánh Hòa...
 
Dòng suối thơ ca Giang Nam đã ngưng chảy...
 
Khi nhắc đến nhà thơ Giang Nam, những người yêu thơ qua các thế hệ đều nhớ đến bài thơ Quê hương nổi tiếng với những câu thơ đầy dung dị và tự nhiên đi vào tâm hồn mỗi người. “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”. Bài thơ ra đời năm 1960, khi nhà thơ Giang Nam đang ở chiến khu Khánh Hòa thì nhận được tin người vợ và con gái đầu lòng bị Mỹ - ngụy sát hại trong nhà tù ở Biên Hòa. Trong tâm trạng đầy nỗi đau thương, mất mát những câu thơ cứ tự nhiên tuôn chảy đầu ngòi bút. Nên chỉ khoảng 1 tiếng, ông đã viết xong bài thơ đầy cảm xúc. Bài thơ sau khi ra đời đã nhanh chóng được lan tỏa và được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy. Nhưng phép màu đã xảy ra, khi vào năm 1973, hai vợ chồng nhà thơ Giang Nam đã gặp lại nhau ở đất thép Củ Chi và thông tin trước đó là có sự  nhẫm lẫn. 
 
Có thể thấy, cuộc đời nghệ thuật của văn nghệ sĩ chỉ cần có một tác phẩm để lại ấn tượng trong lòng công chúng đã là thành công. Nhưng với nhà thơ Giang Nam, ngoài bài thơ Quê hương còn có rất nhiều các sáng tác khác đều đem đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc khác nhau. Dòng suối thơ ca Giang Nam đã ngừng chảy, nhưng những người yêu mến ông, yêu mến thơ vẫn sẽ mãi luôn nhớ về những câu thơ đậm tình của ông. Sinh thời, ông vẫn quan niệm: “Bài thơ hay là bài thơ đi vào lòng người, dù chỉ đọc qua một lần và không chịu rời ra nữa. Nó truyền cảm xúc, rung động chủ quan của tác giả đến người đọc… Thơ kêu gọi cái thiện, làm cho con người sống đẹp hơn, cuộc sống đáng yêu, đáng quý hơn…”.
 
Xin vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam - người đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, cho sự nghiệp văn hóa, để lại cho đời những áng thơ chan chứa tình người, tình đời, tình quê hương, đất nước…
 
Giang Đình
 
 
Linh cữu nhà thơ Giang Nam được quàn tại nhà riêng 46 Yersin, phường Phương Sài, TP. Nha Trang.
 
Lễ nhập quan vào lúc 19h ngày 23-1-2023 (nhằm ngày mùng 2 tháng Giêng năm Quý Mão).
 
Lễ truy điệu được tổ chức vào lúc 14h30 ngày 25 -1-2023 (nhằm ngày mùng 4 tháng Giêng năm Quý Mão). Di quan vào lúc 15h cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Phước Đồng, TP. Nha Trang.
 
 

 

 

 

 

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp