Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng xen kẽ những cơn mưa đột ngột đã khiến số bệnh nhi nhập viện tăng cao. Hầu hết bệnh nhi liên quan đến đường hô hấp, một số trường hợp có triệu chứng lâm sàng nghi nhiễm vi rút Adeno.
Khoa Nhi quá tải
Những ngày gần đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh luôn trong tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhi nhập viện liên tục tăng cao, tăng gấp đôi so với những tháng trước. Hiện tại, Khoa Nhi có 140 giường bệnh, nhưng số lượng bệnh nhi điều trị nội trú lúc nào cũng ở mức 220 - 250 bệnh nhân. Riêng khu vực điều trị bệnh hô hấp được bố trí gần 30 giường bệnh, nhưng số bệnh nhân luôn dao động gần 100 trẻ. Vì thế, 3 - 4 trẻ phải nằm chung một giường.
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, hơn 50% số trẻ điều trị tại Khoa Nhi trong thời điểm này đều mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, chiếm phần nhiều là trẻ dưới 3 tuổi, trong đó có những trẻ có triệu chứng lâm sàng do vi rút Adeno. Đáng lo ngại, không chỉ bệnh nhân tăng cao, số ca bệnh nặng phải chuyển sang điều trị tại khu vực hồi sức cấp cứu của khoa cũng tăng so với những tháng trước.
Chị Nguyễn Hoàng Hương Diệu (xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh) có con đang điều trị tại Khoa Nhi cho biết: “Tôi theo dõi trên tivi, trên Internet thấy có nói về tình trạng nguy hiểm khi trẻ nhiễm bệnh do vi rút Adeno. Vì thế, thấy cháu có biểu hiện mệt, sốt một ngày không bớt, gia đình đưa cháu nhập viện ngay vì sợ bệnh diễn biến nặng”. Chị Phạm Thị Nhật Linh (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) đang chăm con bị mắc bệnh hô hấp tại Khoa Nhi chia sẻ, gia đình chị đã nghe các thông tin về bệnh do vi rút Adeno gây ra, nên khi thấy cháu bị bệnh 2 ngày không khỏi là cho nhập viện ngay.
Nên cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, bệnh do vi rút Adeno lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Bệnh thường xảy ra quanh năm và rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút khác. Vi rút Adeno lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn. Thời gian ủ bệnh 8-12 ngày. Vi rút Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trẻ nhiễm bệnh thường sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở, thở lõm lồng ngực...
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Minh Hiền - Khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết: Trước đây, tại Khoa Nhi có đề tài nghiên cứu khoa học, nội dung về việc sử dụng thuốc Corticosteroid trên lâm sàng cho bệnh nhi nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (nhập viện điều trị tại khoa). Trong nghiên cứu cho thấy, có 4 loại vi rút thường gây bệnh về đường hô hấp cấp ở trẻ, trong đó vi rút Adeno xếp thứ 4 và chiếm gần 11% trong tổng số trẻ tham gia nghiên cứu. Đối với vi rút Adeno, khi trẻ đã mắc bệnh nếu bị nhiễm thêm vi rút khác rất dễ dẫn đến nguy cơ nặng. Hiện nay, trẻ nhập viện tại Khoa Nhi phần lớn dưới 3 tuổi. Ở tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh nên dễ mắc bệnh hơn. Để phòng tránh các biến chứng nặng của bệnh hô hấp cấp do các vi rút, trong đó có vi rút Adeno gây ra, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ (vắc xin cúm, phế cầu, viêm não, viêm màng não Nhật Bản…). Đồng thời, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin C cho trẻ để tăng đề kháng, nhất là ở những trẻ sinh non, bị hen phế quản, có tiền sử béo phì, bệnh phổi mãn tính hoặc những bệnh lý mãn tính khác…
Hiện nay, bệnh do vi rút Adeno gây ra chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trẻ được điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do vi rút khác. Đa số bệnh nhân sẽ tự khỏi, trừ những trẻ có bệnh nền, thể trạng yếu, sức đề kháng kém và bội nhiễm thêm vi rút khác. “Với những trẻ có dấu hiệu sốt, ho, thở khò khè, sổ mũi thì nên đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Nếu trẻ có triệu chứng thở nhanh, thở mệt, rút lõm ngực, thở đứt quãng, tiêu chảy, sốt cao không giảm nên cho trẻ nhập viện sớm để giảm những biến chứng nặng”, bác sĩ Hiền khuyến cáo.
Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, dịch bệnh thường gặp ở trẻ em như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đang gia tăng trên địa bàn tỉnh. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, tránh để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, dịch chồng dịch. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên để trẻ ở nhà chăm sóc, điều trị khỏi bệnh mới cho trẻ đi học lại nhằm tránh lây nhiễm cho các bé khác. |
C.Đan