Ban Quản lý vịnh Nha Trang vừa đề xuất UBND TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) về việc thực hiện quy hoạch, khoanh vùng cho rùa sinh sản tại Bãi Bàng lớn - Đầm Tre (vịnh Nha Trang), nhằm khôi phục lại nơi cư trú và bảo tồn loài động vật biển đang nguy cấp. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Ban Quản lý vịnh Nha Trang vừa đề xuất UBND TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) về việc thực hiện quy hoạch, khoanh vùng cho rùa sinh sản tại Bãi Bàng lớn - Đầm Tre (vịnh Nha Trang), nhằm khôi phục lại nơi cư trú và bảo tồn loài động vật biển đang nguy cấp.
Rùa biển xuất hiện trở lại
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 249,65 km2 bao gồm nhiều đảo lớn nhỏ và các hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái bãi cát ven bờ tạo nên môi trường sống, sinh sản và phát triển ổn định cho một số loài rùa biển. Vì vậy, hàng chục năm trước đây, rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng tại các bãi biển ven bờ và các đảo như Hòn Tre, Hòn Mun... đặc biệt tại khu vực Đầm Tre, nơi hàng năm vào tháng 4 đến tháng 9 rùa biển lại về đây đẻ trứng.
Tuy nhiên, số lượng rùa biển trưởng thành, có khả năng sinh sản sau đó đã suy giảm rất nhiều do sự săn bắt của con người để lấy thịt, mai và da cũng như khai thác các ổ trứng của rùa biển.
Theo ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, trong các năm gần đây, ở vịnh Nha Trang đã ghi nhận sự xuất hiện trở lại của rùa biển trên bãi cát tại Bãi Bàng lớn.
Trước thực trạng trên, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã đề xuất UBND TP. Nha Trang thực hiện khoang vùng bảo vệ rùa biển và hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Bãi Bàng lớn, nơi sinh sản cuối cùng của rùa biển trong vịnh Nha Trang; lập để án bảo tồn rùa biển trong vịnh Nha Trang với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, cộng đồng và các cá nhân liên quan; tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp bao gồm các loài rùa biển; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp.
Khôi phục lại nơi cư trú cho rùa
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) đánh giá, tất cả các loài rùa biển đều nằm trong Danh mục đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (viết tắt là IUCN) ở mức độ CR - rất nguy cấp và EN - nguy cấp trên phạm vi toàn cầu. Do đó, việc khoang vùng bảo vệ rùa biển ở vịnh Nha Trang là việc làm cần thiết và rất có ý nghĩa, nhằm khôi phục lại nơi cư trú của rùa biển, bảo tồn loài động vật biển đang nguy cấp.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ: "Rùa biển thuộc nhóm di cư, có thể sống ở một số vùng biển các nước trên thế giới nhiều năm, sau đó có thể di cư đến vùng biển Việt Nam. Do đó, việc bảo vệ rùa biển phải dựa trên nguyên tắc: tạo dựng và giữ gìn được những điều kiện sinh thái cơ bản, thích nghi để rùa về làm tổ, đẻ trứng. Một con rùa biển có thể đẻ trứng nở ra hàng trăm con, nếu như công tác bảo vệ tốt thì khả năng phục hồi các bãi rùa sinh sản rất nhanh. Khi rùa biển cư trú, sinh sản ở những vùng biển nào thì nơi đó còn là điểm đến hấp dẫn của du khách, mang lại giá trị kinh tế cho khu bảo tồn. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng đó, hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030; trong đó, các hoạt động bảo vệ rùa biển sẽ tiến hành từ năm 2022 đến năm 2026, với sự chung tay và hỗ trợ kỹ thuật của IUCN".