Giúp bạn đồng trang lứa vượt qua áp lực học tập

Thứ tư - 11/01/2023 11:55
Đồng cảm với những áp lực trong học tập của bạn bè, hai em Văn Duy Phúc, lớp 12 Văn và Ngô Khánh Nam, lớp 12 Anh 1 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Nâng cao năng lực thích ứng với áp lực đồng trang lứa trong học tập ở học sinh THPT trên địa bàn TP. Nha Trang". Đây là 1 trong 5 dự án đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh năm học 2022 - 2023, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Giúp bạn đồng trang lứa vượt qua áp lực học tập

Đồng cảm với những áp lực trong học tập của bạn bè, hai em Văn Duy Phúc, lớp 12 Văn và Ngô Khánh Nam, lớp 12 Anh 1 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Nâng cao năng lực thích ứng với áp lực đồng trang lứa trong học tập ở học sinh THPT trên địa bàn TP. Nha Trang”. Đây là 1 trong 5 dự án đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh năm học 2022 - 2023, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.


Tuy là những học sinh có nhiều thành tích tiêu biểu, nổi trội trong học tập và các hoạt động ngoại khóa, nhưng Phúc và Nam đều trải qua những giai đoạn cảm thấy áp lực khi xung quanh có nhiều bạn bè xuất sắc, vừa học giỏi, vừa năng động. Đây cũng là thực trạng chung mà hai em ghi nhận được khi tiến hành khảo sát từ 1.364 phiếu của học sinh các trường THPT trên địa bàn Nha Trang. Trong đó, có tới 72% học sinh chịu áp lực về điểm số; 60,9% chịu áp lực về thành tích; 37,5% chịu áp lực khi so sánh bản thân mình với người khác về tính tích cực trong học tập. Bên cạnh đó, từ 58,3% đến 81% học sinh (tùy theo từng trường) cho rằng, những áp lực này có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc học tập; từ 62,4% đến 78,9% bị ảnh hưởng về sức khỏe thể chất và sa sút nghiêm trọng về tinh thần...

 

Em Văn Duy Phúc (bên trái) và Ngô Khánh Nam.

Em Văn Duy Phúc (bên trái) và Ngô Khánh Nam.


Em Văn Duy Phúc cho biết: “Qua tìm hiểu, chúng em được biết, hiện nay, chưa có nghiên cứu sâu về áp lực đồng trang lứa trong học tập với đối tượng là học sinh THPT. Vì thế, chúng em đã tìm đọc các tài liệu nghiên cứu trong nước và nước ngoài để hiểu hơn về vấn đề này. Chúng em nhận thấy, những áp lực vừa do nguyên nhân chủ quan từ phía các bạn học sinh, vừa do nguyên nhân khách quan từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè, nhà trường. Những áp lực vừa có tính tích cực là tạo động lực, truyền cảm hứng để các bạn phát huy năng lực của bản thân; đồng thời cũng hình thành những cảm xúc tiêu cực. Chúng em đã ghi nhận những tâm sự, chia sẻ đáng lo ngại khi rất nhiều bạn so sánh bản thân với các bạn bè đồng trang lứa và dễ dàng rơi vào “hố sâu” tâm lý chán chường, lo âu, tự ti, mặc cảm khi nhận thấy sự thua thiệt với bạn bè”.


Tại buổi hội thảo với chủ đề “Đánh bay áp lực - Vực dậy tinh thần” do Phúc và Nam chủ trì tổ chức tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang) vào tháng 12-2022, các học sinh đã có dịp được các chuyên gia tâm lý, cựu học sinh lắng nghe, tư vấn cách nhận diện, thích ứng và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của áp lực trong học tập. Trong không gian gần gũi, cởi mở, nhiều bạn đã mạnh dạn chia sẻ những câu chuyện của chính mình mà thường ngày không có cơ hội hoặc ngại bày tỏ.


Bên cạnh đó, nhóm còn phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt đầu tuần về những chủ đề xoay quanh tâm lý học đường. Nhóm cũng đã thiết kế cuốn cẩm nang chia sẻ - giải tỏa áp lực, cuốn “Nhật ký 21 ngày vượt qua tiêu cực”; cẩm nang “Đồng hành cùng con” dành cho phụ huynh học sinh; lập fanpage “Áp đảo - Áp lực” và trang “Confession lắng - radio thấu” trên Facebook với những câu chuyện, bài hát, bài thơ… để các bạn có thể giải tỏa, giãi bày nỗi niềm, chia sẻ những vấn đề xoay quanh cuộc sống. Em Ngô Khánh Nam chia sẻ: “Chúng em mong muốn những giải pháp này sẽ được nhân rộng hơn, các trường, hội, nhóm, câu lạc bộ sẽ tổ chức và duy trì nhiều hơn những hoạt động, buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập… để tạo môi trường cho các bạn học sinh giải tỏa những áp lực tâm lý, biết cách biến áp lực trở thành động lực phấn đấu”.

 

Cô HUỲNH DIỄM HỒNG THƯ - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, người hướng dẫn Phúc và Nam thực hiện dự án cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, tuy hai em vừa phải học ở trường, học bồi dưỡng các đội tuyển, vừa tham gia rất nhiều cuộc thi, song cả hai đều rất tâm huyết với dự án và quyết tâm thực hiện. Tôi đánh giá cao ý tưởng, cách tiếp cận vấn đề và làm việc khoa học của hai em. Từ sự gợi mở ban đầu của cô, hai bạn đã nỗ lực tự mày mò, nghiên cứu, tổ chức các hoạt động với mong muốn được góp tiếng nói của mình đối với những vấn đề chung của cộng đồng”. 


H.NGÂN

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp