Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Không để thiếu thuốc điều trị HIV khi giãn cách

Chủ nhật - 26/09/2021 12:49
Trong thời gian giãn cách xã hội, để không gián đoạn điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều giải pháp cấp thuốc cho người bệnh để họ được điều trị liên tục, không ảnh hưởng đến sức khỏe.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Không để thiếu thuốc điều trị HIV khi giãn cách

Trong thời gian giãn cách xã hội, để không gián đoạn điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều giải pháp cấp thuốc cho người bệnh để họ được điều trị liên tục, không ảnh hưởng đến sức khỏe.  


Nhiều cách cung cấp thuốc


Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đang điều trị ngoại trú ARV cho hơn 800 bệnh nhân HIV/AIDS. Khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng trên địa bàn tỉnh, có nhiều bệnh nhân nhiễm HIV sống ở các địa phương đang bị phong tỏa nên không thể đến nhận thuốc. Để bảo đảm cho người bệnh được điều trị liên tục, phòng khám đã triển khai nhiều giải pháp để bệnh nhân được tiếp cận nguồn thuốc. Theo đó, phòng khám đã cử nhân viên xác định địa chỉ, số điện thoại của bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án để gửi thuốc về trạm y tế, theo đường bưu điện, qua shipper với thời gian cấp thuốc từ 2 đến 3 tháng.

 

Cán bộ y tế Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS  đang phân bổ thuốc để gửi cho bệnh nhân.

Cán bộ y tế Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS đang phân bổ thuốc để gửi cho bệnh nhân.


Ở trong khu cách ly y tế thuộc phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) nhưng 2 tháng nay, chị N.T.H. (bị nhiễm HIV hơn 10 năm) không thiếu thuốc ARV. Chị H. chia sẻ: “Tháng 7, khi TP. Nha Trang thực hiện Chỉ thị 16, sau đó, phường thực hiện cách ly y tế do có nhiều ca mắc Covid-19, lúc đầu tôi cũng rất lo, nhưng rồi tôi nhận được thuốc từ Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS của CDC tỉnh qua bưu điện nên tôi không hề thiếu thuốc. Nhờ uống thuốc đều đặn, tải lượng vi rút ở tôi ổn định”.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết, khi tuân thủ điều trị, tải lượng vi rút HIV của một người giảm xuống mức không thể phát hiện được, giữ cho người đó khỏe mạnh và ngăn ngừa việc lây truyền vi rút về sau. Gián đoạn điều trị sẽ làm tải lượng vi rút ở người có HIV tăng lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của người đó, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Ngay cả gián đoạn điều trị ngắn hạn cũng có thể tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và khả năng lây truyền HIV của một người. Do đó, ngay khi một số địa phương trong tỉnh thực hiện Chỉ thị 16, CDC tỉnh đã có sự chuẩn bị để thực hiện cấp thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nhất là bệnh nhân trong khu vực phong tỏa bằng nhiều hình thức: Thông qua trạm y tế, theo đường bưu điện, qua shipper với thời gian cấp thuốc dài hạn (không quá 90 ngày theo quy định).


Cùng với đó, hơn 100 bệnh nhân nhiễm HIV được tiếp nhận thuốc ARV thông qua mạng lưới đồng đẳng viên. Chị Đặng Thị Hồng Nhung - Trưởng nhóm đồng đẳng Bồ Công Anh ở Nha Trang cho biết: “Nhóm đã cử thành viên nhận thuốc tại các cơ sở rồi giao cho bệnh nhân tại các chốt, hoặc gửi theo đường bưu điện. Hiện nay, nhóm hỗ trợ nhận thuốc cho 40 bệnh nhân của TP. Nha Trang, bảo đảm cho bệnh nhân không bị ngắt quãng điều trị. Đồng thời, hiểu được khó khăn của bệnh nhân trong việc đi lại, chúng tôi tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook và điện thoại”.


Nỗ lực thực hiện kế hoạch năm

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.200 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,21% dân số. Toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS (chiếm 92,1%).

Theo CDC tỉnh, số bệnh nhân HIV nhận thuốc ARV tính đến tháng 9 là 1.126 người. Trong đó, Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS của CDC tỉnh cấp 831 người, phòng khám Cam Ranh 130 người, Ninh Hòa 165 người. “Đến nay, không có trường hợp bệnh nhân nào bị thiếu thuốc hoặc ngưng điều trị. Các trường hợp ngoại tỉnh có nhu cầu điều trị, cơ sở điều trị cũng phối hợp với các cơ sở điều trị cũ nơi bệnh nhân đã nhận thuốc để cấp phát thuốc tiếp tục giúp bệnh nhân duy trì thuốc uống ổn định trong thời gian phong tỏa, giãn cách” - bác sĩ Toàn cho biết.  

 

Tuy ngành Y tế và các đơn vị liên quan đã nỗ lực triển khai các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại đến nay đạt thấp, chỉ khoảng 35% so với kế hoạch; công tác tư vấn, xét nghiệm HIV đạt 60%; số ca nhiễm HIV mới trong 9 tháng ghi nhận 184 ca, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái…


Bác sĩ Toàn cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tập trung vào các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm và giám sát dịch; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, thúc đẩy triển khai hiệu quả khám, chữa bệnh HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả; tăng cường việc quản lý chất lượng điều trị HIV/AIDS, kiểm soát tải lượng vi rút; đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.


C. ĐAN

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp