Những doanh nhân Khánh Hòa xa quê luôn dành cho quê hương những tình cảm đặc biệt. Miền ký ức tuổi thơ không biết tự bao giờ trở thành “sợi chỉ hồng” níu chặt lấy tâm hồn các doanh nhân, để khi đã thành công lại muốn được trở về…
Những bước chân “thiên di” trở về
Chiều cuối năm, bên ly cà phê cạnh bờ biển Nha Trang, những doanh nhân thành đạt xa quê say sưa nói về tiềm năng và lợi thế của Nha Trang - Khánh Hòa, về nguồn nhân lực, về chuyển đổi số… Mỗi câu chuyện là một lát cắt của những trăn trở về sự phát triển xứ Trầm Hương. Trong số đó, có chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương và doanh nhân Lữ Vincent Thế Hùng - 2 nhân vật khá nổi tiếng trong lĩnh vực thế mạnh của mình và rất đa nhiệm trong môi trường kinh doanh. Tuy tuổi tác không đồng lứa, song trong họ có một điểm chung đó là tình yêu quê hương Khánh Hòa mãnh liệt và dòng máu “thiên di”.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương bắt đầu ra đi từ Trường Trung học Võ Tánh - Nha Trang (nay là Trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang). Ông lần lượt ghi dấu ấn đời mình ở Đại học Berkeley, Trường Kinh tế Luân Đôn và Trường Quốc tế học cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins. Sau 25 năm kinh nghiệm, đảm nhiệm những vai trò cấp cao trong lĩnh vực cố vấn kinh tế và quản trị doanh nghiệp cho các công ty, tổ chức uy tín trong nước và quốc tế, như: Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn quốc tế Riedel Associates trụ sở tại Washington; chuyên viên cố vấn kinh tế và tiền tệ tại Quốc hội Mỹ…, kể từ năm 2020 đến nay, Nha Trang dường như đã níu đôi chân “thiên di” của ông. Ông trở về sống ở thành phố biển nhiều hơn, không phải để tận hưởng, mà để đau đáu, trăn trở muốn góp chút gì đó cho sự phát triển của quê hương.
Mặc dù cũng đi và sinh sống ở nhiều quốc gia, song trong ký ức của doanh nhân Lữ Vincent Thế Hùng, con sông Dinh, thị xã Ninh Hòa vẫn rất đỗi thân thương. Không được như bao con sông ở châu Âu hoa lệ, nhưng con sông Dinh khiến ông bồi hồi, bước chân “xê dịch” luôn dùng dằng mỗi lần trở lại quê hương. Và cũng từ năm 2020, ông quyết định trở về Khánh Hòa để làm một việc gì đó có ích, góp phần vào sự phát triển của miền “cát trắng, nắng vàng”. Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc ở Netslé Mỹ và gần 10 năm tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ tại Mỹ, Canada, Dubai, ông muốn tạo nên một cộng đồng khởi nghiệp đủ mạnh ở Khánh Hòa, sẵn sàng hòa vào môi trường kinh tế sôi động. Đồng thời, mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Khánh Hòa về công nghệ, chuyển đổi số…
Dẫn lối cho lớp trẻ
Thật tình cờ, cũng trong một buổi cà phê vào đúng chiều 30 Tết cách đây vài năm, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương và doanh nhân Lữ Vincent Thế Hùng cùng góp mặt trong cuộc gặp gỡ không hẹn trước với các doanh nhân xa quê khác. Và rồi, họ thống nhất với nhau sẽ tạo điều kiện hết sức cho thế hệ trẻ, nhất là sinh viên, đóng góp nhiều nhất có thể vào sự phát triển chung của tỉnh.
Chính vì thế, mấy năm gần đây, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương trở thành cầu nối cho không ít nhà đầu tư tìm đến Khánh Hòa. Một trong những đóng góp âm thầm của ông trong việc quy hoạch tỉnh chính là sự kết nối giữa lãnh đạo tỉnh với tư vấn quốc tế. Để đến thời điểm hiện tại, quy hoạch tỉnh được đánh giá là một trong những quy hoạch hiện đại và hoàn thiện nhất của cả nước. Ông chia sẻ: “Khánh Hòa nếu mà so về lợi thế thì có lẽ ít nơi nào có thể so được, chúng ta có đầy đủ mọi yếu tố để phát triển. Cái thiếu duy nhất là sự kết nối các nguồn lực. Nguồn quốc tế, nguồn lực từ những doanh nhân Khánh Hòa trên cả nước và thế giới”. Nhận diện được điều đó, nên thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương đã ầm thầm đưa những nguồn lực về với Khánh Hòa như sự trả nghĩa cho quê hương.
Không chỉ có vậy, ông đang tập trung vào hỗ trợ đào tạo ở các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Bởi với những tháng năm bôn ba xứ người, từng học qua các trường đại học lớn trên thế giới, ông hiểu rõ vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, ông sẽ cố vấn và kêu gọi đầu tư nước ngoài cho Trường Đại học Khánh Hòa. Đồng thời, sẽ kêu gọi hỗ trợ cả về chuyên môn lẫn vật chất cho các trường đào tạo nghề, để các sinh viên ra trường có đủ năng lực làm việc ở trình độ cao và hưởng mức thu nhập xứng đáng. “Một địa phương giàu có và phát triển không phải là nơi có GRDP cao nhất cả nước, mà ở đó người dân phải giàu có trên chính quê hương mình. Các thế hệ trẻ không phải tha hương mưu sinh mà có thể làm việc ngay tại nơi mình sinh ra với mức thu nhập cao và tự hào về nơi mình sinh ra. Đó mới chính là đích đến của sự phát triển”, ông Trần Sĩ Chương quan niệm.
Với doanh nhân Lữ Vincent Thế Hùng, từ sau buổi cà phê chiều 30 Tết năm ấy, ông đã trở về Khánh Hòa thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ A. Yersin. Bằng thế mạnh công nghệ thông tin, doanh nhân Lữ Vincent Thế Hùng luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ về những giải pháp chuyển đổi và đổi mới kỹ thuật số trong các ngành du lịch - lữ hành, giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ, chăm sóc sức khỏe… Chỉ trong 2 năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ A. Yersin đã phối hợp với Công viên Phần mềm Quân đội tổ chức hàng loạt hoạt động đào tạo, hội thảo liên quan đến công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Những hoạt động này tạo cho doanh nghiệp và sinh viên Khánh Hòa bệ phóng để bước vào thế giới công nghệ thông tin. Ngoài ra, chương trình này cũng sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học tham gia tiếp xúc với môi trường làm việc, quản lý doanh nghiệp thông qua công nghệ số toàn cầu. Mới đây, công ty của doanh nhân Lữ Vincent Thế Hùng đã cùng Công viên Phần mềm Quân đội ký kết với đối tác chiến lược đến từ Ấn Độ. Từ đó đưa ra khung chương trình đào tạo các học sinh, sinh viên nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin ở các lĩnh vực: Digital Marketing, Data Analytics, Blockchain cho Khánh Hòa và Việt Nam.
Không chỉ có vậy, mấy năm vừa qua, doanh nhân Lữ Vincent Thế Hùng đã trở thành người đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh. Hầu như tất cả các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đều có sự hậu thuẫn của ông. Sự phát triển của cộng đồng startup Khánh Hòa dù còn ở bước đầu, song với kinh nghiệm mấy chục năm trên thương trường, ông đã truyền lại những bài học kinh nghiệm để dẫn lối cho không ít startup trẻ. Mỗi việc làm của ông đều xuất phát từ cái tâm muốn đóng góp cho sự phát triển của quê hương. “Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, tôi thấy rằng, chúng ta đi sớm quá cũng không tốt, đi muộn quá cũng không hay. Mình đã vấp ngã nhiều lần, vậy tại sao không lấy kinh nghiệm xương máu đó để giúp cho thế hệ đi sau tránh đi vào vết xe của mình, nhằm tạo cho họ có cơ hội bứt phá sớm hơn”, ông Hùng trải lòng.
ĐÌNH LÂM